Bình Thuận được mệnh danh là thủ phủ thanh long, với diện tích khoảng 20 ngàn ha, tập trung nhiều ở các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Tân. Do mấy năm gần đây, thanh long được giá nên diện tích ngày càng được mở rộng.
Đi liền đó là bệnh tật trên cây thanh long cũng phát sinh nhiều. Đặc biệt là bệnh đốm trắng hại cành hay còn gọi nấm tắc kè có chiều hướng lan nhanh trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng. Chị Trần Thị Tài, chủ vườn thanh long xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc than vãn: “Số lượng trái trong vườn thanh long nhà tôi vẫn đạt như mọi năm, nhưng chất lượng thì giảm rất nhiều, do bị nấm tắc kè, nên thương lái thu mua giá thấp, trừ chi phí không có lãi”.
Theo nhiều bà con trồng thanh long cho biết thêm, ngoài nguyên nhân vườn thanh long năm nay bị nhiễm bệnh khiến thất thu, thì còn có lý do gặp thời tiết nắng mưa thất thường, nên việc chong điện không đạt hiệu quả. Có vườn phải chong đi chong lại từ 2-3 lần, nhưng số lượng trái lại không nhiều. Do đó chi phí công chăm sóc, phân thuốc và tiền điện tăng cao.
Trao đổi với ông Trần Minh Tân, Chi cục BVTV Bình Thuận cho biết, giá thanh long hiện ở mức cao, rất thuận lợi cho bà con. Vì thế bà con cần lưu ý hơn trong việc trồng và chăm sóc thanh long sao cho đạt hiệu quả như mong muốn.
Để phòng được bệnh nấm tắc kè, cần vệ sinh vườn thường xuyên, không nên tưới nước vào buổi chiều và đêm, bón các loại phân có hàm lượng magie, silic, canxi, vì các loại phân này có khả năng kích thích cây phát triển tốt và kháng bệnh cao.
Còn việc chong đèn bà con cần chú ý sau khi thu hoạch xong nên cắt tỉa các cành không tiếp nhận ánh sáng, phun xịt thuốc khử trùng sinh vật gây bệnh, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây, nên bón nhiều phân có hàm lượng Bo, Kali... cao. Lưu ý trong giai đoạn chong đèn hạn chế tưới nước.
Theo nhiều nhà vườn cho biết, những trái thanh long bị nhiễm bệnh thương lái chỉ mua ở mức thấp từ 2-5 ngàn đồng/kg, thậm chí còn bị thải loại khiến nhiều người bị thất thu.