Tính từ đầu năm 2013 đến nay, Cục Hải quan TPHCM đã ban hành trên 30 quyết định cưỡng chế đối với các doanh nghiệp nợ thuế chây ỳ. Theo báo cáo từ Cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm nay, có 3.158 doanh nghiệp FDI làm thủ tục hải quan, với số tiền thuế 17.611 tỷ đồng. Trong đó, số doanh nghiệp nợ thuế là 551, với số nợ 315 tỉ đồng (nợ quá hạn 36 tỉ đồng).
Theo một lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM cho biết, quá trình xử lý doanh nghiệp FDI nợ thuế luôn gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như chủ doanh nghiệp tự ý bỏ về nước trước khi nợ đến hạn phải thanh toán cho cơ quan hải quan; hoặc doanh nghiệp phần lớn là đi thuê cơ sở tại Việt Nam, nên khi xuống địa phương xác minh, trụ sở của doanh nghiệp đã bị chủ sở hữu thu hồi, khó xác định được tình trạng của doanh nghiệp.
Mặt khác, thông tin của doanh nghiệp trên hệ thống quản lý thường không rõ ràng, không đầy đủ, nên việc truy tìm rất khó.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 128/2013/TT-BTC quy định đối với hoạt động sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp (không phân biệt FDI hay trong nước) phải có nhà xưởng và khi các tổ chức tín dụng bảo lãnh, người nộp thuế phải thỏa mãn điều kiện: Có vốn chủ sở hữu từ 10 tỷ đồng trở lên và một số điều kiện khác, mới được cơ quan hải quan chấp thuận xét ân hạn 275 ngày. Đây cũng được xem một giải pháp hạn chế tình trạng nợ đọng thuế.