Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18.1, VN-Index tạm dừng mức 847,05 điểm, giảm 13,72 điểm so với phiên cuối tuần trước.
Trong hoàn cảnh thị trường còn chịu tác động tâm lý rất nặng nề khi sụt giảm xuống sát mức 800 điểm, sức mua khó có thể trông chờ một sự đột biến nào. Tuy nhiên, những thống kê tuần qua đã cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan đáng kể khi dòng tiền đổ vào thị trường mạnh dần lên.
Với hai phiên giao dịch mạnh ngày 15 và 17.1, khối lượng khớp lệnh tính riêng CP tuần qua đã tăng xấp xỉ 16%, đạt 40,95 triệu đơn vị. Nếu tính toàn bộ thị trường (trừ trái phiếu), mức gia tăng giao dịch cũng đảm bảo 16% với 44,67 triệu đơn vị. Nếu tính theo giá trị, khoảng 3.714,4 tỉ đồng đã được đổ vào thị trường, tăng xấp xỉ 10%. Đây là một con số rất đáng kể nếu so với quy mô giao dịch trung bình của 3 tuần lễ "đen tối" nhất trước đó chỉ đạt trên 2.500 tỉ đồng/tuần.
Sự gia tăng khối lượng và giá trị nói lên một điều: Mức giá giảm mạnh vừa qua đã hấp dẫn bộ phận không nhỏ NĐT giải ngân một phần vốn. Xét tương quan cung cầu toàn thị trường, quy mô mua vào đã bắt đầu tăng lên và có dấu hiệu mạnh hơn quy mô bán.
Trung bình 5 phiên vừa qua, khối lượng mua vào đạt 14,99 triệu CK/phiên, tăng 24% trong khi bán ra đạt 14,16 triệu CK, tăng 8%. Phiên cuối tuần (18.1), VN-Index tăng trở lại 13,24 điểm, tức là lấy lại toàn bộ mức giảm của phiên trước đó nhưng khối lượng giao dịch khá thấp, chỉ đạt 5,84 triệu CK, giảm 43%.
Với những NĐT hoài nghi, có thể nhìn nhận điều này như một sự phục hồi thiếu vững chắc. Tuy nhiên, khối lượng thấp cũng cho thấy sự "rắn tay" hơn của bên bán: Trong hoàn cảnh VN-Index mất 12,26 điểm ngày 17.1, nếu NĐT hốt hoảng, thị trường sẽ chứng kiến phiên bán tháo mạnh trong đợt khớp lệnh mở cửa ngày 18.1.
Thực tế VN-Index đợt này chỉ giảm 2,73 điểm với giá trị giao dịch chưa tới 83 tỉ đồng, tương đương 17% tổng giá trị của phiên. Điều đó cho thấy NĐT đã rất bình tĩnh và không bán tháo CP. Trong hai đợt giao dịch sau đó, bên mua đã chấp nhận đặt giá cao lên và thị trường tăng điểm.
Một điều khá đặc biệt trong đợt thử thách đáy 800 điểm này là sức mua trên thị trường chủ yếu đến từ nhóm NĐTTN. Tuần qua, lần đầu tiên xuất hiện tình trạng giao dịch ròng âm của khối NĐTNN: Tổng bán ra đạt 911.394 CK trong khi mua vào 826.708 CK.
Mặc dù khối lượng mua vào ít hơn bán ra nhưng tỉ trọng mua lớn tập trung vào các mã có thị giá cao nên dòng tiền vẫn đạt +29,1 tỉ đồng.
Dù vậy, đây vẫn là tuần giao dịch ảm đạm nhất của nguồn vốn ngoại, ảnh hưởng tâm lý không nhỏ đến NĐTTN mặc dù thực tế tỉ trọng giao dịch của NĐTNN vẫn rất nhỏ trong toàn bộ thị trường.
Các mã được mua nhiều nhất là HPG (509.690 CP), SSI (358.760 CP) và VIC (197.470 CP). Ngược lại, một số blue-chips cũng bị khối này "nện sàn" không thương tiếc như DPM (665.370 CP), FPT (249.070 CP), VNM (326.360 CP), VSH (304.970 CP)...