Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội thảo quốc tế “Việt Nam - Ngôi sao đang lên” - Ảnh: T.Sơn
Năm 2010 cổ phần hóa xong toàn bộ
Đây là một hội thảo hiếm hoi mà khán phòng chật cứng các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu khu vực, thế giới và các nhà ngoại giao đang có mặt tại Việt Nam.
* "Về dài hạn, Việt Nam có rất nhiều nhân tố tích cực để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, đó là lực lượng lao động trẻ và đang phát triển, chi phí nhân công thấp hơn các nước láng giềng và trình độ công nghệ ngày càng tăng. Cam kết của Chính phủ về việc tự do hóa nền kinh tế và đưa ra các cải cách trên nền tảng thị trường nhất định sẽ đem lại những tác dụng tích cực". Justin Wood, Giám đốc Corporate Network * "Việt Nam cần sớm bắt kịp với các chuẩn mực tài chính quốc tế. Chúng tôi tiếp tục tin tưởng vào thị trường Việt Nam và cuối năm nay sẽ huy động khoảng 3 tỉ USD cho các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bất động sản và cổ phiếu". Peter Ryder, Tổng giám đốc điều hành Indochina Capital |
Thủ tướng cho biết, từ những thành tựu đạt được trong năm 2007, năm 2008 Chính phủ Việt Nam xác định trọng tâm là đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao 9%, đặc biệt kiểm soát giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo bước chuyển mạnh mẽ về xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội và đào tạo nguồn nhân lực. Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận: chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp; dù trong tầm kiểm soát nhưng giá cả hàng hóa tăng cao, kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc; cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, hạn chế việc hấp thu nhanh nguồn vốn.
Ông Stuart Dean, Chủ tịch General Electric (GE) khu vực Đông Nam Á đặt vấn đề: Để kinh tế tiếp tục phát triển nhanh, Việt Nam cần xây dựng cơ sở hạ tầng tiến kịp với mức tăng của nền kinh tế. Đại diện GE muốn biết kế hoạch cụ thể nhằm giải quyết những "nút cổ chai" phát triển của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ ràng cơ sở hạ tầng là một khâu mà nếu Việt Nam không phát triển nhanh sẽ hạn chế đầu tư. Thủ tướng đã thông tin đến các nhà đầu tư về tình hình triển khai đầu tư hạ tầng cơ sở kỹ thuật của Việt Nam, kể cả giao thông, điện và viễn thông. Giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng, cũng như nguồn nhân lực, Việt Nam tuân thủ nguyên tắc: Chính phủ vừa trực tiếp đầu tư, vừa khuyến khích, tạo mọi điều kiện để mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam. Việc này đem lại lợi ích cho cả Việt Nam cũng như các nhà đầu tư đến Việt Nam.
Các diễn giả quốc tế băn khoăn về tốc độ cổ phần hóa của Việt Nam có vẻ chậm lại, và có hay không việc các doanh nghiệp nhà nước vận động hành lang, làm chậm lại tiến trình này. Trước những thắc mắc này, Thủ tướng tái khẳng định, hiện nay, cổ phần hóa của Việt Nam đang được đẩy mạnh thuận lợi và hiệu quả; công tác cổ phần hóa của Việt Nam đã gần cơ bản hoàn thành. Hiện nay, Việt Nam chỉ còn 104 tổng công ty của Nhà nước chưa cổ phần hóa, trong khi các doanh nghiệp thành viên của các tổng công ty cũng đã cổ phần hóa gần hết. Cổ phần hóa của Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc thị trường, gắn liền với niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Việt Nam đặt mục tiêu năm 2010 sẽ cổ phần hóa toàn bộ, trong đó, riêng 2 năm 2008 - 2009 thực hiện xong về cơ bản, kể cả các ngân hàng thương mại quốc doanh.
Tin tưởng Việt Nam
Bên lề hội nghị, ông Indronil Sengupta, Giám đốc điều hành Tata tại Đông Nam Á cho biết thêm, Việt Nam hiện thu hút được mối quan tâm đầu tư lớn nhất từ các doanh nghiệp Ấn Độ. Điều này dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng trong 6 tháng của các doanh nghiệp nước này. Ông Dhep Vongvanich, Giám đốc điều hành tại Việt Nam của Siam Cement (SCG) cũng nói, Thái Lan hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ giải quyết tốt được các vấn đề, và doanh nghiệp của ông sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Đặc biệt, SCG đang chuẩn bị đầu tư trên 3 tỉ USD vào lĩnh vực hóa dầu tại Việt Nam trong năm nay.
Ông Tom Tobin, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HSBC bày tỏ sẽ được chứng kiến sự thay đổi to lớn và tích cực dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của ngành ngân hàng Việt Nam trong năm 2008. Theo ông, hoạt động cổ phần hóa các ngân hàng quốc doanh, thành lập ngân hàng mới trong nước cũng như chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các ngân hàng 100% vốn nước ngoài sẽ dẫn đến việc mở rộng mạng lưới, cạnh tranh tích cực, kết quả là sẽ mang đến nhiều dịch vụ tốt hơn cho khách hàng và một hệ thống ngân hàng vững mạnh. Điều này sẽ đem lại sự tăng trưởng mạnh mẽ cho các khu vực kinh tế khác.
Hôm nay 9.1, đại diện của gần 400 doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối thoại với lãnh đạo các Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Công thương, Lao động - Thương binh - Xã hội, Văn hóa - Thể thao - Du lịch.