Kết luận tại phiên họp trực tuyến với các địa phương chiều nay (ngày 24/12/2013) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ - mục tiêu cho năm 2014 tới đây là rất nặng nề, đòi hỏi tất cả các bộ ban ngành và địa phương phải quyết tâm cao nỗ lực lớn.
“Trong khi năm 2014 tăng bội chi, phát hành thêm trái phiếu, dư nợ tín dụng tăng cao hơn năm trước, tổng phương tiện thanh toán cũng tăng cao hơn để đảm bảo phát triển kinh tế thì mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát vẫn phải được đưa lên hàng đầu.”
Do đó, Thủ tướng yêu cầu chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải phối hợp nhịp nhàng ngay những tháng đầu của năm 2014.
Về tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, người đứng đầu Chính phủ đánh giá: Việc này chúng ta đã thực hiện được 3 năm nhưng tiến độ hiện còn rất chậm và chỉ còn 2 năm nữa là chúng ta phải về đích. Chính vì thế trong năm tới công việc này cần phải đẩy nhanh hơn nữa.
Đặc biệt, việc tái cơ cấu DNNN dứt khoát phải thực hiện đúng như các Nghị quyết đã đề ra. “Đề án và nội dung cụ thể chúng ta đã có việc quan trọng bây giờ là thực hiện. Tôi cho rằng, khâu quan trọng nhất để thực hiện thành công đó là cán bộ - người đứng đầu”.
Thủ tướng nêu ví dụ, “Ngay như ngành giao thông của anh Thăng (Bộ trưởng Bộ Giao thông vân tải Đinh La Thăng) những DNNN đã có quyết định phải tái cơ cấu, cổ phần hóa rồi nhưng giám đốc các doanh nghiệp này cố tình chần chừ không thực hiện, làm chậm tiến trình cổ phần hóa thì phải cách chức, thay đi!”
Thủ tướng nhắc lại, một số trường hợp Chính phủ yêu cầu chậm lại chiếm tỷ lệ rất ít hoặc những doanh nghiệp nào nhà nước cần nắm cổ phần chi phối thì không tính, còn những doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ thì phải bán hết đi.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh: Thoái vốn, cổ phần hóa là cần thiết nhưng không có nghĩa là phải bán tràn lan, sơ hở gây mất mát tài sản. Với những DNNN làm ăn thua lỗ, không thể khắc phục được thì phải cho phá sản giải thể.
“Chúng ta cần phải tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DNNN với các DN khác trong việc tiếp cận nguồn vốn và các nguồn lực khác”.
Riêng những DNNN phục vụ mục đích công ích xã hội thì phải hạch toán riêng và công khai minh bạch trước công chúng.
Về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của NHNN trong thời gian qua, nợ xấu đã giảm nhanh, khắc phục nhanh các ngân hàng yếu kém, sắp xếp một bước để không gây đổ vỡ hệ tống.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng hiện vẫn còn một vài ngân hàng yếu kém và yêu cầu NHNN tiếp tục theo dõi chặt và có hướng giải quyết trong thời gian tới.