 |
Có những khu đô thị cao cấp, phần lớn công dân là những triệu phú phất lên từ TTCK
|
Thành công của một lớp người giàu có thật đáng tự hào, song trong đó cũng ẩn chứa không ít khó khăn cho DN khi động lực phấn đấu của thế hệ trẻ đã được hiện thực hóa quá dễ dàng.
Một DN lớn, có tiếng tăm trong làng bất động sản chuẩn bị niêm yết cổ phiếu, từ 2 tháng nay diễn đàn trên tờ nội bộ của cơ quan không ngớt bài bình luận sôi nổi về chuyện "ăn" cổ phiếu, "ngủ" cổ phiếu. Mọi thứ đều được quy đổi ra "cổ cánh", từ laptop chỉ đáng vài chục "cổ" đến thích sắm xe thì trích ra 1/3 số "cổ". Mọi chuyện bắt đầu từ bài phỏng vấn ông chủ tịch HĐQT về góc nhìn của ông và tác động của chuyện "cổ cánh" với nhân lực trong công ty. Hiển nhiên, nhờ TTCK mà Việt Nam có một lớp tỷ phú trẻ. Một tay trưởng phòng - tính giá thị trường theo lượng cổ phiếu anh ta sở hữu lên tới gần 100 tỷ đồng. Xe hơi đời mới nhất, nhà chung cư cao cấp nhất, giờ anh ta chẳng thiếu thứ gì khi mới ở độ tuổi 33. Ông chủ tịch lo lắng, tiền nhiều quá sẽ làm tha hoá đội ngũ nhân viên của mình. Những người còn quá trẻ và tự nhiên có quá nhiều tiền, liệu có còn động lực để làm việc, để phấn đấu?
Diễn đàn được mở ra với bao tâm sự xoay quanh câu chuyện cổ phiếu. Có ý kiến đồng tình rằng, khi người ta nhiều tiền quá, người ta nghĩ mình quá giỏi, mình làm gì cũng thành công, họ dễ trở thành một lớp nhà kinh doanh không có động lực lắng nghe và học hỏi. Người phản bác lại rằng, thế nào mà coi là giàu, có người tài sản tới vài trăm triệu USD còn phát biểu: "Tôi không nghĩ là mình giàu".
Trên tờ nội san của một DN lớn khác phản ánh nhiều về thói quen của nhân viên trong cơ quan đã thay đổi. Từ chuyện trụ sở công ty đóng chung cùng 2 sàn chứng khoán trong một tòa nhà, một số nhân viên như một thói quen, sáng nào cũng phải ghé qua sàn trước khi bắt đầu ngày làm việc. Họ bật mí, không thực hiện được việc này, họ cảm thấy bứt rứt không yên và càng khó chịu hơn khi nhìn sang bên cạnh, ghế của nhiều đồng nghiệp cũng trống vắng. Nhiều tháng sau khi DN mới niêm yết cổ phiếu, có những thời điểm cả văn phòng im lặng, bỗng có tiếng ai đó reo lên sung sướng: "Thị trường đảo chiều rồi!" và sau đó không ít người biểu lộ niềm vui bằng cách nhảy cẫng lên khi giá "cổ cánh" của họ tăng vọt. Chứng khoán len lỏi vào từng người lao động như vậy, khiến lãnh đạo DN không khỏi suy nghĩ tìm cách để "người cày có cổ" với hy vọng nhân viên trong công ty trở lại say mê với công việc hàng ngày.
Đem chuyện này kể với tổng giám đốc một DN tên tuổi trên sàn chứng khoán, ông tâm sự, lợi nhuận đối với gia đình ông không phải là điều quan trọng nhất. Mục tiêu của cá nhân ông và cả DN là hướng tới giá trị, chứ không phải đơn thuần lợi nhuận. Những tên tuổi tỷ phú như Bill Gates hay ông trùm chứng khoán Warren Buffett được ca ngợi vì họ không chỉ làm giàu cho bản thân, mà sự nghiệp của họ, sản phẩm của tập đoàn họ điều hành đã và đang đem lại cuộc sống tốt hơn cho nhân loại. Giấc mơ của ông tổng giám đốc này là TTCK Việt Nam sẽ nâng đôi cánh DN, tạo cơ hội vàng để trong tương lai Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều DN tầm cỡ, sánh ngang những tên tuổi như Toyota, Honda... Ông chia sẻ, chứng khoán sẽ rất tốt khi gắn với giá trị thực của sản xuất, dịch vụ và kinh doanh. Chứng khoán đáng lo ngại khi nó làm cho sản xuất trở thành thứ yếu, con người mất động lực làm việc...