Ngày 06/12/2013, Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp cùng Viện phát triển Doanh nghiệp – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Kinh tế 2014 – CEO& Bài học trong tiến trình phát triển doanh nghiệp”.
Tại Hội thảo này, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nêu lên những thách thức và cơ hội đối với các DN Việt Nam trong thời gian tới, trong đó là những dấu hỏi về lợi ích thực sự của các cam kết thương mại tự do FTA đối với doanh nghiệp.
Thách thức cả trong nước lẫn nước ngoài
Về thách thức, chuyên gia Phạm Chi Lan đánh giá kinh tế vĩ mô Việt Nam trước mắt vẫn bất ổn với nhiều vấn đề dài hạn chưa thể sớm giải quyết. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh chưa cải thiện và huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển tiếp tục khó. Theo bà, những vấn đề này là vấn đề dài hạn, không thể giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng nếu không thực hiện thì không thể khắc phục được những bất ổn một cách lâu dài.
Tình hình kinh tế thế giới cũng vẫn đang cải thiện chậm. Những số liệu về kim ngạch xuất nhập khẩu cho thấy chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế toàn cầu song với sự thay đổi liên tục diễn ra trong thương mại toàn cầu và ở các nền kinh tế lớn, Việt Nam dường như đang “hụt hơi trong việc đuổi theo đà tăng trưởng toàn cầu”.
Khi Việt Nam ký kết nhiều FTA mới với các chuẩn mực, đòi hỏi cao hơn những đòi hỏi của WTO thì câu hỏi chúng ta có tận dụng được cơ hội này hay không là một câu hỏi không dễ trả lời.
Cùng với sự hội nhập ngày càng sâu rộng, cường độ cạnh tranh cả trên thị trường trong nước lẫn nước ngoài đều gay gắt. Sự hiện diện của FDI và cạnh tranh từ Trung Quốc, ASEAN ngày càng lớn. Chuyên gia cho biết, trong vòng 2 năm nay, tốc độ xâm nhập của các DN ASEAN ngày càng dữ dội. Họ mua lại các DN Việt Nam với các bước đi rất bài bản mạnh mẽ.
Do đó, bản thân các DN phải tự tái cơ cấu, điều chỉnh chiến lược cạnh tranh, tự vượt khó để tồn tại.
“Tôi cảm thấy tinh thần kinh doanh, ngọn lửa tinh thần đang yếu ớt dần đi. Thành công lớn nhất của Luật Doanh nghiệp năm 1999 là thổi bùng lên tinh thần kinh doanh của người Việt Nam. Nếu tinh thần ấy xuống như thế này thì cơ hội phục hồi của đất nước sẽ như thế nào?” – Chuyên gia Phạm Chi Lan nêu một câu hỏi đầy trăn trở.
Tái cấu trúc và hội nhập – cơ hội đến từ đây
Phân tích về cơ hội của các doanh nghiệp, chuyên gia nhận xét cơ hội từ chính sách 3 đột phá chiến lược nhưng điều này phụ thuộc vào lãnh đạo đất nước nhiều hơn là các DN hay những người nghiên cứu.
Về chiến lược tái cơ cấu cải thiện môi trường kinh doanh đang được thực hiện nhằm phân bổ lại nguồn lực quốc gia cho công bằng hơn, bà phát biểu:
“Tôi hy vọng vào việc Thủ tướng đang cam kết thúc đẩy mạnh Cổ phần hóa DNNN. Nếu DNNN rút chân, nhường bớt sân chơi thương mại cho thành phần khác thì còn có chỗ cho các doanh nghiệp khác làm”.
Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tới đây chính là sự hội nhập quốc tế sâu tạo sự cải thiện về môi trường kinh doanh, cơ hội thương mại và đầu tư về nhiều mặt. TPP về cơ bản, là cơ hội cho DNVN vì nó đòi hỏi 1 môi trường cạnh tranh minh bạch, lành mạnh hơn nhiều so với môi trường “tù mù” và bao trùm bởi sự bảo trợ. Tuy nhiên, đấy là trong trường hợp DN chấp nhận cạnh tranh.
Đánh giá thêm về cơ hội, chuyên gia nhận xét thị trường khu vực hiện nay phát triển ổn định và khá cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được các vấn đề của mình và thấy rõ phải thay đổi mạnh.
“Mấy năm vừa qua đã đủ thấm đòn để biết mình đang ở đâu và cần điều chỉnh như thế nào. Thành công ngày hôm qua không đảm bảo cho thành công hôm nay nếu cứ đi theo cách cũ.” – Chuyên gia kết luận.
Theo đó, bà đánh giá lợi ích của FTA đối với doanh nghiệp. Đó là hệ thống thương mại tự do giúp chúng ta tăng trưởng xuất khẩu. Hoạt động nhập khẩu cũng được lợi với chi phí thấp hơn, thuận lợi hóa thương mại và kết nối trong khu vực cũng tốt hơn.
Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng phải biết phải tạo thêm giá trị gia tăng để vượt lên bởi vì hiện nay, chúng ta “nằm trong chuỗi giá trị mà nằm ở cuối chuỗi”.
Lợi ích thứ hai là môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Đổi mới kinh tế sẽ chuyển sang hệ thống thị trường một cách đầy đủ hơn, tạo động lực nâng cao tính cạnh tranh liên tục không ngừng nghỉ.
Dấu hỏi về FTA đối với doanh nghiệp: Thương mại tự do thực sự có tác dụng không?
Với những tiêu chuẩn mới phức tạp và có thể là rất cao đối với Việt Nam, chuyên gia lo ngại về việc kiểm soát những rào cản phi thuế như TR, TBT, SPS, NTBs và “liệu những nhóm dễ tổn thương trong nước có bảo hộ được hợp lý không?”
Quan trọng hơn cả là việc đổi mới kinh tế ở trong nước có đươc thực hiện như cần thiết không. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, tư duy và lực cản của lợi ích nhóm.
Trong những năm tới, triển vọng phát triển của doanh nghiệp có không ít. DNNN, tư nhân dần lấy lại được vai trò động lực của nền kinh tế. Doanh nghiệp trong nước cải thiện vị thế trong xuất khẩu. Sự liên kết giữa các thành phần kinh tế cần được cải thiện để ngày càng tăng lên. Và cốt lõi là doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới tư duy dựa vào công nghệ và sáng tạo để nâng sức cạnh tranh.
Những triển vọng này sẽ trở thành hiện thực hay không phụ thuộc phần lớn vào cải cách, định hướng chính sách của nhà nước và bản thân doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp cần tự nhìn nhận lại bản thân mình và những bài học của các DN bạn để định vị lại, chọn lựa cách đi chủ động thay vì thụ động.
“Chỉ còn 2 năm trước các FTAs mới, phải tăng tốc chuẩn bị. Và tự tin, nghĩ mới, làm mới để vượt lên” – Chuyên gia Phạm Chi Lan kết luận.