![]() |
Các ngân hàng được khuyến cáo là nên tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh thu nhiều hơn chi. Ảnh: T.A |
Nửa tháng đầu năm, tiền gửi thanh toán của các tổ chức kinh tế, cá nhân giảm 0,03-2,3%. Đây là thời điểm các doanh nghiệp, đặc biệt công ty vừa và nhỏ cơ cấu lại sản xuất hợp lý cho phù hợp với điều kiện lạm phát.
Theo đánh giá của các ngân hàng tại TP HCM, doanh nghiệp đang tập trung khai thác tối đa vốn tự có để sản xuất kinh doanh, hạn chế vay vốn nhà băng do lãi suất tiền vay quá cao.
Tổng kết hoạt động năm 2008 hôm 15/1, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho rằng, trong năm 2009, các nhà băng cần tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh thu nhiều hơn chi, tăng trưởng lợi nhuận phải phù hợp với quá trình mở rộng và phát triển. Tăng trưởng huy động vốn đạt từ 25 đến 27%, tăng trưởng dư nợ tín dụng 21-23%, tỷ lệ nợ xấu phải được khống chế ở mức an toàn là dưới 5%.
Trong năm qua, những khó khăn từ nền kinh tế trong điều kiện lạm phát tác động trực tiếp đến hoạt động của ngành ngân hàng. Trong đó, thể hiện rõ nhất là đối với hoạt động huy động vốn và cho vay vốn. "Tốc độ tăng trưởng huy động vốn và cho vay vốn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM nhìn nhận.
Nền kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm, tích lũy từ kinh tế và dân cư giảm, được cho là những nguyên nhân chính tác động trực tiếp đến quy mô nguồn vốn tiền gửi tại các ngân hàng thương mại TP HCM năm qua. Tính đến 31/12/2008, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP HCM ước đạt hơn 561 nghìn tỷ đồng. So với năm 2007, tổng vốn huy động tăng 15,3%, nhưng mức tăng trưởng này thấp hơn rất nhiều (gần 71%).
Tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng tại TP HCM trong năm 2008 đạt 490 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6%. Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, trong năm ngoái, khách hàng không vay được vốn tín dụng nhà băng có đến gần 97% do vi phạm nguyên tắc cho vay, không đủ điều kiện. Một số hợp đồng cho vay không tiến hành được, nguyên nhân là ngân hàng thiếu vốn tại những thời điểm nhất định.
Riêng bộ phận tiền gửi tiết kiệm dân cư trong năm qua liên tục tăng và đạt tốc độ tăng trưởng cao (33,4%) do lãi suất tiền gửi hấp dẫn, là kênh đầu tư an toàn và hấp dẫn so với chứng khoán, vàng, bất động sản.
Tiền gửi bằng ngoại tệ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với tiền gửi bằng VND. Tỷ trọng giữa tiền gửi VND/ngoại tệ vẫn duy trì ở mức 70-72% đối với VND và 28-30% đối với tiền gửi ngoại tệ so với tổng huy động vốn. Song qua diễn biến tình hình tiền gửi, tại một số thời điểm, người dân có xu hướng dịch chuyển tiền gửi từ VND sang ngoại tệ. Đây là một thói quen ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế nói chung và hoạt động các ngân hàng nói riêng.
Tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước qua hệ thống ngân hàng đạt 5,5 tỷ USD, tăng 53% so với 2007. Lượng kiều hối chuyển về trong năm 2008 vẫn tiếp tục tăng được xem là một biểu hiện tích cực trong điều kiện khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay.