![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc báo cáo tại kỳ họp - Ảnh: Đức Thanh |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, kỳ họp tiến hành vào thời điểm chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2008, năm mà nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, phức tạp khó lường, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính ở một số nền kinh tế lớn, buộc nhiều quốc gia phải điều chỉnh chỉ tiêu phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh đó, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, sự tập trung chỉ đạo điều hành năng động, quyết liệt của Chính phủ, những tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới vào nước ta đã và đang từng bước được hạn chế, nền kinh tế đất nước đến nay tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã có những chuyển biến đáng khích lệ.
"Trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP ước đạt 6,52%, các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, trong đó ưu tiên kiềm chế lạm phát, đã phát huy tác dụng. Chỉ số giá tiêu dùng bước đầu được kiểm soát, các cân đối vĩ mô và an sinh xã hội được đảm bảo. Nhiều nguồn lực được huy động cho đầu tư cho phát triển, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng cao", Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nói.
Theo Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, chương trình nghị sự của kỳ họp gồm nhiều nội dung quan trọng, tập trung vào một số nhóm vấn đề, đặc biệt là việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng , năm 2008 sản xuất công nghiệp và xây dựng gặp nhiều khó khăn do giá đầu vào, kể cả nhập khẩu và nguyên liệu trong nước, lãi suất đi vay… đều tăng và ở mức cao làm cho chi phí sản xuất tăng, giá trị gia tăng và hiệu quả đầu tư kinh doanh giảm sút, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tăng 16,2%. Đối với ngành xây dựng, ngoài những khó khăn làm cho đơn giá và tổng mức đầu tư xây dựng công trình lên cao thì những diễn biến của thị trường bất động sản làm suy giảm thị trường này chưa có dấu hiệu cải thiện, nhưng ước giá trị gia tăng ngành xây dựng cũng đạt xấp xỉ năm 2007.
Sau 2 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và cạnh tranh trên thị trường thế giới ngày càng trở nên gay gắt, song xuất khẩu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao cả về lượng xuất khẩu và giá trị xuất khẩu. Dự kiến cả năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 65 tỷ USD, tăng 33,9% so với năm 2007 - mức tăng cao nhất trong 10 năm qua.
"Xuất khẩu tăng ngoài yếu tố tăng giá còn do lượng hàng tăng (khoảng 30%) và thị trường xuất khẩu được mở rộng. Đây là yếu tố cơ bản làm giảm nhập siêu, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thể hiện năng lực nội sinh của các ngành sản xuất và sự năng động của các doanh nghiệp trong điều kiện nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới", Thủ tướng khẳng định và cho biết, tỷ lệ nhập siêu từ mức 62,4% kim ngạch xuất khẩu trong quý 1 đã giảm xuống còn 34% trong quý II đưa tỷ lệ nhập siêu trong 9 tháng đầu năm xuống còn 32,5% và dự báo tỷ lệ nhập siêu năm 2008 chỉ tương đương năm 2007.
Mặc dù vậy, Thủ tướng cũng khẳng định: "Tỷ lệ nhập siêu vẫn còn ở mức cao". Nguyên nhân là do, tốc độ tăng xuất khẩu thấp hơn tốc độ tăng nhập khẩu; tăng nhập khẩu thiết bị, máy móc và nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất cho đầu tư phát triển và sản xuất - kinh doanh; hầu hết các sản phẩm nhập khẩu đều tăng giá, đặc biệt là các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ. "Tỷ lệ nhập siêu cao còn có sự buông lỏng quản lý nhập khẩu một số mặt hàng chưa thật cần thiết trong những tháng đầu năm làm tăng kim ngạch nhập khẩu và đẩy tỷ lệ nhập siêu lên cao", Thủ tướng nhận định.
Trong điều hành kinh tế năm 2009, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định các cân đối vĩ mô, trước hết là chính sách tài chính, tiền tệ; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, vật tư đầu vào quan trọng và hàng tiêu dùng thiết yếu; đẩy mạnh phát triển sản xuất - kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và từng sản phẩm.
Mặc dù vẫn xác định năm 2009 nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của tình trạng lạm phát cao của năm 2008; các cán cân kinh tế vĩ mô chưa ổn định; sức cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp còn ở mức thấp; các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát; hoạt động của hệ thống tài chính còn gặp nhiều rủi ro… nhưng với quyết tâm cao, Chính phủ vẫn trình Quốc hội các chỉ tiêu phát triển kinh tế khá cao: GDP tăng 7%, GDP ước đạt 106 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.200 USD; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 76,7 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2008; tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 418.000 tỷ đồng, tăng 4,76% so với năm 2008; chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 15%…
Tốc độ tăng giá tiêu dùng đã có xu hướng giảm dần; các cân đối vĩ mô của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, cán cân thanh toán quốc tế có thặng dư; xuất khẩu tăng cao, nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ; thu ngân sách nhà nước vượt cao; đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh cả vốn đăng ký và vốn thực hiện là những ghi nhận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thực hiện thẩm tra Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 và phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.
Bước vào năm 2009, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền, mặc dù nền kinh tế sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn do tác động từ sự biến động phức tạp của nền kinh tế thế giới cũng như những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế trong nước chưa được giải quyết triệt để, nhưng thuận lợi lớn nhất mà Chính phủ có được chính là đã có kinh nghiệm trong việc điều hành đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát; thị trường tài chính, tiền tệ ổn định trở lại; các cán cân kinh tế vĩ mô của nền kinh tế cơ bản đã ổn định trở lại, đặc biệt là niềm tin của nhân dân được củng cố.