Thông tin được công khai từ Bộ Tài chính đến lúc này về cơ bản là khó thu nhưng chi không dễ giảm. Bởi con số 66,6% đạt dự toán của thu ngân sách trong 9 tháng đầu năm là khá thấp, mà thông thường bộ này phải đạt tới 80% để còn phấn đấu vượt 5% - 7% cả năm – như “thông lệ” những năm trước đây. Nay thì câu chuyện đã khác và có khả năng, đây là năm đầu tiên Bộ Tài chính không đạt chỉ tiêu thu ngân sách trong rất nhiều năm nay.
Thu là một việc khó điều chỉnh. Thuế thu nhập DN đã khá nặng với tình trạng DN chết hẳn, chết yểu và đắp chiếu như “ngả rạ”. Khoản thu và nguồn thu từ đất ngày càng đuối với thị trường bất động sản ảm đạm và bởi nhiều địa phương còn mỗi yếu tố cạnh tranh để thu hút đầu tư là… giảm nghĩa vụ tài chính từ quyền sử dụng đất. Cả nước vẫn chỉ trông vào thu từ dầu thô. Vào năm ngoái từng “cứu một bàn thua” cho thu ngân sách thì nay chắc khó đỡ cho thực trạng quá bết bát.
Đương nhiên, “túng thì phải tính”.
Phiên họp Chính phủ vừa rồi, đề xuất giảm lương tối thiểu về mức trước khi tăng ngày 1/7 năm nay ngay lập tức phải rút lại vì quá lạc lõng. “Giải pháp” để hoãn chi khoản tiền 21,7 nghìn tỷ đồng dự định dành cho đợt tăng lương vừa rồi như một cú “chẹn họng” người lao động, khi mà gần như toàn bộ tiền lương, thu nhập của họ chỉ mới đảm bảo 62% - 68% đời sống tối thiểu - theo kết quả khảo sát trong năm 2013 của Viện Công nhân, Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).
Vì thế, phương án lương năm 2014 được đề xuất tăng thêm khoảng 21% - 26%, dù chỉ với tham vọng có thể đáp ứng 75% - 84% nhu cầu và mức sống tối thiểu của người lao động - theo phân tích của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cũng đang nhạt dần...
Bởi vậy, câu hỏi cần Bộ Tài chính trả lời lúc này là tại sao không tránh cảnh “chết chùm” với tất cả đều lương thấp mà đề xuất giảm biên chế, phần 30% nhân lực đang không làm được việc, hay thậm chí thêm 30% nữa của nhóm phải cầm tay chỉ việc mới biết làm mà có vị từng khuyến nghị trước đây?
Bộ máy Nhà nước dường như không có hiệu suất cao từ nhiều năm nay. Theo thống kê, số lượng đơn vị hành chính, sự nghiệp tăng 5,9% giữa giai đoạn 2007 - 2012, kết thúc ở con số gần 147 nghìn đơn vị. Tuy nhiên, số lao động tăng tới 20,6%, một tốc độ phình to kinh khủng nếu so với tăng trưởng kinh tế nhiều năm ở giai đoạn này khá khó khăn.
Cần nhớ rằng, chi thường xuyên vốn chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng chi ngân sách Nhà nước. Nhưng đáng chú ý là tỷ lệ chi khoản này trong tổng chi ngân sách Nhà nước có xu hướng tăng lên. Năm 2007, quyết toán ngân sách cho thấy, chi thường xuyên chiếm xấp xỉ 69% tổng chi ngân sách, còn với con số ước tính 9 tháng đầu năm nay, tỷ lệ trên là gần 81%. Trong khi đó, phần chi lớn còn lại là đầu tư phát triển chỉ bằng khoảng 1/4 chi thường xuyên, và ngày càng lép vế.
Trong khi đó, đầu tư thực hiện trong 9 tháng năm 2013 đã đạt khoảng 31,2% GDP, theo Tổng cục Thống kê, tức là đã cao hơn mức 30% GDP của chỉ tiêu kế hoạch. Nhưng đáng chú ý là đầu tư Nhà nước tăng 4,2% so với năm ngoái. Có ý kiến còn cho rằng: “Nhà nước đã có những giải pháp ứng trước vốn đầu tư từ nguồn ngân sách và trái phiếu Chính phủ để giúp DN phục hồi sản xuất kinh doanh”. Vậy đã nới chi rồi?
Theo dự kiến, đề xuất nới bội chi sẽ được trình lên Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới. Phía thu chắc sẽ không khó để đi đến thống nhất, nhưng phía chi, câu hỏi còn đọng lại là cân đối thế nào với khả năng giảm khoản chi thường xuyên một cách thực chất và hiệu quả thay vì tăng đầu tư công, khi chỉ số ICOR còn chưa tìm được cách giảm để đồng tiền ngân sách được sử dụng hiệu quả hơn.
Xen lẫn những câu hỏi ấy là những công bố của cơ quan có trách nhiệm về chi đầu tư thất thoát, lãng phí, tham ô để nuôi “bồ nhí”… Nên sẽ thật khó biểu quyết cho việc tăng thu để tiếp tục đầu tư công!