Trái phiếu chính phủ: Không huy động bằng mọi giá

Thêm một cuộc đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) không thành công, mặc dù nhiều ngân hàng đang giao dịch mạnh loại hàng này trên thị trường thứ cấp.


Theo thông báo từ Trung tâm GDCK Hà Nội (HASTC), đợt đấu thầu TPCP thứ 19/2008 tổ chức ngày 11/12/2008, không thành công do chênh lệch lãi suất trần và lãi suất trúng thầu.

Ngân hàng thừa tiền?

Khác với các đợt đấu thầu trước, lần này tổng số tiền đăng ký đấu thầu hợp lệ lên đến 960 tỷ đồng, trong khi khối lượng gọi thầu chỉ là 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lãi suất trần Bộ Tài chính đưa ra là 9% đã không đáp ứng được mức kỳ vọng của các ngân hàng ở mức 10% - 12,5%/năm.

Có thể thấy với lượng tiền mặt đang dư thừa, các ngân hàng đã tìm đến TPCP như một kênh đầu tư an toàn. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ngoài việc cung ứng tín dụng trực tiếp cho các DN, các ngân hàng còn huy động vốn từ nền kinh tế và đầu tư vào TPCP. Tính đến thời điểm này, các ngân hàng đã "bơm" trở lại nền kinh tế qua việc mua TPCP khoảng 100.000 tỷ đồng.

Trên thực tế, TPCP vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả và khi cần, các ngân hàng có thể repo tại NHNN để được tái cấp vốn. Mặt khác, trong bối cảnh lãi suất giảm nhưng các DN đang gặp khó khăn đầu ra chưa dám mở rộng và đầu tư mới vào sản xuất - kinh doanh nên lượng tiền nằm tại các ngân hàng vẫn khá lớn. Đó cũng là lý do khiến các ngân hàng dành một hạn mức tương đối lớn vào kênh TPCP.

Chủ tịch UBCK, ông Vũ Bằng cho rằng, cần đẩy mạnh phát hành TPCP để một mặt huy động vốn cho các dự án đầu tư của Nhà nước, mặt khác giúp ngân hàng giải ngân tiền nhàn rỗi, để họ không phải mua TPCP trên thị trường thứ cấp vốn đang khá nhạy cảm.

Nhìn lại năm 2008, có thể thấy lãi suất trên thị trường tiền tệ liên tục được đẩy lên cao khiến việc huy động vốn qua kênh phát hành TPCP gặp khó khăn.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng số vốn huy động qua phát hành TPCP10 tháng đầu năm 2008 đạt 52% kế hoạch, trong đó phát hành qua hệ thống Kho bạc Nhà nước đạt 42% kế hoạch và phát hành qua ngân hàng Phát triển Việt Nam đạt 82% kế hoạch.
Ngoại trừ Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam phát hành một đợt trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh để đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, còn các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước khác chưa tổ chức phát hành do lạm phát và lãi suất cao.
Câu hỏi đặt ra là, trong điều kiện lãi suất giảm và các ngân hàng dư thừa vốn khả dụng, tình hình huy động TPCP có khả quan?

Không bán bằng mọi giá

Tuy nhiên, nhìn sang năm 2009, khả năng huy động vốn qua con đường phát hành trái phiếu cũng không nhiều, bởi ngân sách nhà nước tuy eo hẹp nhưng cũng không phải huy động bằng mọi giá. Bởi tùy thuộc vào nhu cầu thực tế của các dự án và tiến độ giải ngân mà Bộ Tài chính đưa ra mức lãi suất đưa ra cho phù hợp.
Một quan chức của Kho bạc Nhà nước cho biết, không thể huy động vốn qua phát hành TPCP về để đó, trong khi vẫn phải trả lãi suất. Về phía Bộ Tài chính vẫn muốn qua các đợt đấu thầu trái phiếu một mặt huy động vốn, mặt khác điều hành lãi suất TPCP đảm bảo vai trò định hướng và tham chiếu cho các loại lãi suất khác, hình thành đường cong lãi suất chuẩn.
Ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, với lãi suất 10% thì không có cớ gì ngân hàng không cho vay qua hình thức đầu tư TPCP.
Vì thế, mức lãi suất huy động đưa ra như thế nào để đảm bảo tiền ngân hàng không bị hút nhiều vào kênh này, trong khi các DN đang cần vốn lại không vay được. Tuy nhiên, cũng không thể trách các ngân hàng, vì cùng một đồng tiền sử dụng vào kênh nào cho hiệu quả, an toàn là quyền của họ.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó giám đốc HASTC cho biết, lãi suất trần TPCP tới đây có thể được điều chỉnh cho linh hoạt với thị trường và phù hợp với sự điều chỉnh ngân sách của Chính phủ.

Với việc chậm giải ngân nguồn vốn TPCP so với kế hoạch năm 2008, nhiều khả năng những đợt huy động vốn qua kênh này sẽ vẫn là sự thăm dò lãi suất giữa các thành viên đấu thầu và Bộ Tài chính.
Và thông qua các đợt đấu thầu, mức lãi suất trần mà Bộ Tài chính đưa ra cũng chỉ giúp định hướng phần nào mức lãi suất trên thị trường tiền tệ mà thôi.
Tuy nhiên, để thị trường trái phiếu hấp dẫn các nhà thầu, bên cạnh lãi suất, vấn đề quan trọng là cần cơ cấu lại danh mục trái phiếu. Với số lượng nhiều loại kỳ hạn như hiện nay, NĐT khó theo dõi, không thuận lợi cho giao dịch trên thị trường thứ cấp cũng như ảnh hưởng đến thanh khoản.
Do đó, cần bảo đảm khả năng thanh khoản của trái phiếu cho NĐT, các tổ chức tín dụng thông qua chính sách chiết khấu, tái chiết khấu, nghiệp vụ thị trường mở, cầm cố TPCP; từng bước phát triển thị trường hợp đồng mua lại (repo), thị trường hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn TPCP.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây