NHTM CP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM

Lĩnh vực: Tài chính > Ngành: Ngân hàng

Cổ phần hóa Vietcombank - Thắc mắc chưa có đáp án!

Dịch vụ thẻ hiện đang là thế mạnh của Vietcombank. Ảnh: Anh Thư

Ẩn số về tài chính

Câu hỏi lớn nhất được giới đầu tư quan tâm chính là thặng dư vốn sau IPO của DN cổ phần hóa này sẽ được sử dụng ra sao - được giữ lại DN hay chuyển về cho Nhà nước, hay chỉ chuyển 70% dựa trên tỷ lệ sở hữu của nhà nước sau khi cổ phần hóa? Vì chỉ tính riêng giá khởi điểm 100.000 đ/CP, sau IPO sẽ mang lại số thặng dư vốn cho VCB lên đến 8.750 tỷ đồng. Nếu số tiền này được giữ lại và dựa trên vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng thì CP VCB trở nên "siêu rẻ". Ngược lại, nếu phân tích khía cạnh thực tế cho thấy mới cổ phần nhưng VCB đã có P/E, EPS, BV… cao chót vót và giá khởi điểm lại cao hơn nhiều so với thị giá nhiều NHTM hiện nay

Vốn chủ sở hữu tính đến tháng 12-2006 của VCB là 11.127 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 10.978 tỷ đồng (riêng vốn điều lệ là 4.356 tỷ đồng). Do đó, không biết VCB lấy ở nguồn nào để bù cho đủ mức vốn điều lệ mới là 15.000 tỷ đồng. Lấy từ thặng dư? Điều này chưa rõ lắm. Lấy từ nguồn trái phiếu tăng vốn đã phát hành là 1.374 tỷ đồng cũng không khớp với số chênh lệch trên. Do vậy, dư luận cho rằng VCB đã được áp đặt mức vốn điều lệ thiếu sự rõ ràng vì nó không khớp với giá trị sổ sách. Một điều không phù hợp với thông lệ về cổ phần hóa và thông lệ quốc tế.

Nếu phương án cổ phần hóa VCB thực hiện đúng như kế họach công bố, có lẽ nhân viên của VCB thuộc loại "khá giả" trong xã hội trước khi cổ phần hóa. Vì phần CP họ được mua ưu đãi chiếm đến 3,5% vốn điều lệ, nghĩa là gần bằng 60% lượng CP được đem ra đấu giá trong ngày 26-12 tới. Cụ thể họ được mua 52,5 triệu CP ở giá được trừ bớt sau khi dựa trên giá đấu thắng bình quân. Giả dụ mức giá đó là 100.000 đ/CP thì họ cần phải trả đến 5.250 tỷ đồng, con số này chia cho nhân sự hiện nay khoảng 6.500 người, cho thấy mỗi nhân viên phải có gần một tỷ đồng để mua được số CP ưu đãi trên. Do vậy sẽ không tránh khỏi việc bán "lúa non" mà "lúa" này thì ngon ăn hơn hẳn những đợt IPO từng diễn ra.

Ẩn số về chính sách

VCB nắm giữ 100% vốn điều lệ của CTCK Vietcombank (VCBS) song CTCK này lại là nhà tư vấn đấu giá trong nước cho VCB. Nghe có vẻ không hợp lắm nhưng đó là sự thật. VCBS đồng thời cũng là đại lý đấu giá cho VCB! Với quan hệ "mẹ - con" như thế, dư luận không khỏi nghĩ rằng VCBS sẽ có những thông tin "tốt" dành cho những NĐT tham gia đấu giá thông qua VCBS. Riêng thời gian tiến hành IPO VCB cũng là câu hỏi mà dư luận quan tâm: Sự trì hoãn IPO lâu đã gây ít nhiều thiệt hại. Liệu DN này có bị vuột mất sự ưu đãi về thuế dành cho DN nhà nước tiến hành cổ phần hóa? Vì Bộ Tài chính vừa ban hành quyết định kể từ tháng 12-2007 sẽ bãi bỏ quy định miễn thuế thu nhập 2 năm đầu và giảm 50% cho 2 năm tiếp theo đối với DN nhà nước được cổ phần hóa. Vậy VCB còn kịp hưởng hay mất sự ưu đãi này?

Hội tụ nhiều ưu điểm và lợi thế trong kinh doanh nên VCB là tâm điểm theo dõi của khá nhiều NĐT tổ chức lẫn riêng lẻ. Song trong tình hình giao dịch hiện nay của TTCK, nhiều điều bất ngờ có thể xảy ra. Do đó, kịch bản có nhiều NĐT bỏ cọc sau đấu giá vẫn có thể xảy ra. Vậy VCB thu cọc luôn hay ưu ái trả lại như từng xảy ra đối với vài DN đấu giá qua HOSE? Vì số tiền cọc dựa trên giá khởi điểm lên đến 975 tỷ đồng, là con số cao hơn vốn điều lệ của rất nhiều công ty niêm yết.

Tuy cổ phần hóa nhưng tỷ lệ vốn nhà nước trong VCB chiếm đến 65-70%. Như vậy nhà nước vẫn nắm tỷ lệ chi phối. Vấn đề đặt ra là Đại hội đồng cổ đông của VCB có giải quyết được quyền lợi cho NĐT nhỏ không, hay đại hội chỉ mang tính hình thức, vì quyền quyết định vẫn thuộc sở hữu phần nhà nước chiếm tỷ lệ lớn. Cần minh bạch những thắc mắc trên trong các buổi road show tới, VCB mới xóa tan những đồn đãi không tốt quanh việc NĐT chiến lược ngã giá thấp và phương án cổ phần hóa lúc này, lúc khác.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây