NHTM CP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM

Lĩnh vực: Tài chính > Ngành: Ngân hàng

Đàm phán đối tác chiến lược: Vietcombank có bất lợi?

Ngày 26.4 tới, NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ tổ chức ĐHCĐ lần đầu, thông qua bộ máy nhân sự và kế hoạch kinh doanh 2008.

Tổng nguồn vốn giảm nhẹ

Những tháng đầu năm 2008 được dự báo là thời kỳ khó khăn của hoạt động NH, tín dụng. Đặc biệt khi các NHTM phải thực hiện chính sách của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế và hệ quả là sự suy giảm khả năng thanh khoản tạm thời.

Theo báo cáo tài chính quý I, Vietcombank đạt mức tăng trưởng tín dụng 10,1% so với cuối năm 2007. Trong tổng dư nợ 105.562 tỉ quy đồng, dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm 43,6%. Dư nợ cho vay ngắn hạn tăng khoảng 18,2%. Dư nợ cho vay bằng VND tăng 16,3% trong khi dư nợ cho vay bằng ngoại tệ chỉ tăng 5,2%.

Theo ông Bình, trong quý I, tình hình huy động vốn nói chung có khó khăn, trong đó có cả tác động của việc rút tiền về KBNN theo kế hoạch. Vietcombank cũng bị rút đi xấp xỉ 1 tỉ USD. Tổng nguồn vốn của Vietcombank tính đến 31.3.2008 đạt 195.587 tỉ quy đồng, giảm khoảng 0,3% so với cuối năm 2007. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nguồn vốn của Vietcombank bị suy giảm dù mức giảm rất nhẹ.

"Việc rút tiền gửi từ các NHTMNN về nằm trong chủ trương chống lạm phát và Vietcombank cũng đã có những chuẩn bị. Mức giảm nguồn vốn này không đáng kể nên trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng trên 10%, Vietcombank vẫn đảm bảo khả năng thanh khoản cả bằng VND lẫn USD và còn thực hiện cho vay trên thị trường liên NH", ông Bình cho biết.

Ngoài ra, các mảng kinh doanh khác của Vietcombank vẫn tăng trưởng tốt như thanh toán XNK tăng 32,3% cùng kỳ 2007, đạt 249% kế hoạch năm; hoạt động thẻ tín dụng quốc tế hoàn thành 29,7% kế hoạch năm, thẻ ghi nợ đạt 20,2% kế hoạch... Lợi nhuận sau thuế quý I/2008 đạt khoảng 900 tỉ đồng.

Đàm phán đối tác: Giá có bất lợi?

Theo ông Bình, hiện hai chuyện "gắt gao" nhất mà Vietcombank đang lo thực hiện là tiến hành ĐHCĐ, niêm yết và lựa chọn đối tác chiến lược. Tuy nhiên, câu hỏi về tiến trình đàm phán lựa chọn đối tác chiến lược của Vietcombank đã không được thông tin cụ thể.

"Chúng tôi có nhiều phương án lựa chọn đối tác chiến lược, trong đó có cả đàm phán với các đối tác cũ hay lựa chọn thêm ứng cử viên. Về nguyên tắc, Vietcombank không hạ thấp các tiêu chí lựa chọn như phương án đã được phê duyệt", ông Bình cho biết.

Một vấn đề nhạy cảm là hiện tại giá CP Vietcombank trên thị trường OTC đang xuống khá thấp so với mức giá đấu bình quân trong đợt IPO vừa qua. Liệu đây có là yếu tố bất lợi cho quá trình đàm phán?

"Thực ra đối tác nước ngoài cũng căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là giá trị nội tại của Vietcombank. Đương nhiên khi thị trường đánh giá thấp đi cũng là một lợi thế hơn cho người mua và không thể phủ nhận được điều đó. Tuy nhiên, những NĐT thực sự sẽ đánh giá nhiều hơn giá trị nội tại so với giá thị trường", ông Bình nói.

Mặc dù các thông tin liên quan đến số lượng đối tác đang đàm phán, mức giá chưa được tiết lộ, nhưng theo một nguồn tin riêng, danh sách lựa chọn đối tác chiến lược của Vietcombank hiện chỉ còn duy nhất một ứng cử viên là nước ngoài. Hai bên hiện đang tiếp tục đàm phán về giá và mức giá này có thể thấp hơn mức đấu bình quân trong đợt IPO vừa qua.
 
Theo phương án CPH, Vietcombank sẽ tăng vốn lên 15.000 tỉ đồng thông qua việc phát hành CP cho NĐT chiến lược trong nước và nước ngoài, dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2008. "Chúng tôi không đặt mục tiêu một cách cứng nhắc, nhưng cũng "thầm" lên một kết hoạch hoàn thành trong năm 2008 và khả năng lớn sẽ đạt được", ông Bình cho biết.

Niêm yết: Chọn giá nào?

Vietcombank sẽ lấy ý kiến ĐHCĐ ngày 26.4 tới về vấn đề niêm yết CP trong nước và trên TTCK quốc tế. "Chúng tôi chưa đưa ra một mốc thời gian cụ thể vì còn nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục, quy trình. Dự kiến Vietcombank sẽ niêm yết trong tháng 6.2008, nhưng cũng có thể chậm hơn", ông Bình nói.
 
Liên quan đến vấn đề giá khởi điểm trong bối cảnh thị trường nói chung đang suy giảm và giá hầu hết CP đều ở mức khá thấp, ông Bình cho biết, sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng để xác định mức hợp lý nhất.

"Ngay một ví dụ đơn giản về giá đấu bình quân của Vietcombank, với thời điểm thị trường nóng như đầu năm 2007, đó sẽ là giá quá thấp, nhưng so với hiện tại, giá đó có thể lại là cao. Việc đưa ra mức giá bao nhiêu sẽ phải dựa trên nguyên lý thị trường và thị trường sẽ quyết định. Giá Vietcombank trên thị trường OTC có giảm thì cũng là phải chấp nhận cuộc chơi, không có cách nào khác", ông Bình cho biết.

Nguyễn Hoàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây