NHTM CP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM

Lĩnh vực: Tài chính > Ngành: Ngân hàng

Đấu giá Vietcombank: Giá sẽ ở mức nào?

Lợi thế về thương hiệu có "cổ vũ" được giá IPO của VCB?
110.000đ hay 200.000đ/CP?

Theo thông tin từ đại diện các CTCK, Cty quản lý quỹ, các tổ chức tài chính dành mối quan tâm rất lớn cho đợt đấu giá VCB sắp tới. Tuy nhiên họ sẽ quyết định giá đấu một cách thận trọng là thông điệp chủ đạo được các chuyên gia gửi đi.

Ông Hoàng Anh Tuấn - TGĐ CTCK Hà Nội (HSSC) cho biết theo đánh giá của HSSC, các NĐT lớn, đặc biệt các quỹ đều muốn có CP VCB. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thông tin trong quá trình chuẩn bị IPO VCB chưa được công bố rõ ràng, ví dụ tỉ lệ thặng dư được giữ lại hay xác định giá trị thực tế do tư vấn quốc tế thực hiện vẫn chưa được công bố công khai. Điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định của NĐT, đặc biệt NĐT có tổ chức.

Theo bà Nguyễn Thu Hà - Phó TGĐ VCB, mức độ phát triển của ngành NH Việt Nam còn thấp so với thế giới, chính vì vậy tiềm năng phát triển còn rất lớn. Đó là lý do mà ngành NH đang thu hút được sự quan tâm của rất nhiều quỹ đầu tư cũng như các NH nước ngoài.

Từ góc độ quỹ đầu tư, ông Phan Phương Anh, TGĐ Cty quản lý quỹ Hà Nội cũng cho rằng IPO VCB sẽ thu hút rất nhiều NĐT tham gia và hầu hết các NĐT tổ chức đều đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Từ góc độ là những tổ chức tài chính chuyên nghiệp, các đại diện CTCK được đặt nhiều câu hỏi liên quan đến quá trình phân tích và định giá của VCB cũng như mức giá đấu được "khuyến nghị" khi thị trường đang lan truyền rất phổ biến những con số 150.000đ và 200.000đ.
 
Ông Hoàng Anh Tuấn (HSSC) cho biết: Phân tích của HSSC dựa trên các căn cứ như kết quả hoạt động của VCB, yếu tố cung cầu, ảnh hưởng thị trường cũng như chính sách kinh tế xác định giá giá đấu bình quân hợp lý là 110.000đ/CP với mức dao động 20% trên giá khởi điểm.

"Nếu giá đấu bình quân là 200.000đ/CP thì quá cao, đối tác nước ngoài khó có thể chấp nhận ở mức giá này. Theo tôi, giá VCB sẽ dao động trong khoảng từ 110.000-130.000đ/CP", ông Tuấn cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lâm Minh Chánh, hiện là cố vấn của CTCK Đại Việt, nhận xét nếu giá đấu bình quân là 200.000đ/CP thì khả năng bỏ cọc là rất cao. "Theo tính toán của Phòng phân tích VCB và của cá nhân tôi, trên 2 phương pháp cơ bản: Dòng tiền và P/B (giá trị sổ sách) với dự kiến 30% tiền thặng dư được giữ lại, thì giá trị tương quan của VCB nằm trong khoảng 110.000 - 140.000đ/CP. Dĩ nhiên rằng giá cuối cùng của VCB có thể rất thấp hay rất cao so với khoảng giá chúng tôi định này, tuỳ vào nhận định của đám đông - quy luật cung cầu. Nhưng nếu cao hơn 140.000đ chúng tôi sẽ không mua. Có nhiều CP khác có khả năng sinh lời cao hơn so với VCB ở mức giá trên 140.000đ", ông Chánh nói.

Ông Phan Phương Anh (Cty quản lý quỹ Hà Nội) thì nhận xét: "Nhà nước đã rất khôn khi chỉ đưa ra đấu giá một lượng CP rất nhỏ. Nếu Nhà nước quyết định bán 30% thì chắc chắn mức giá sẽ thấp hơn nhiều". Từ chối đưa ra các bình luận về mức giá cụ thể nhưng ông Anh cho rằng với giá 150.000đ/CP của VCB thì độ bất ổn sẽ cao hơn do việc hạn chế trong thông tin.

Ông cũng khuyên NĐT cá nhân không nên giành quá 30% vốn của mình để tham gia vào đợt IPO của VCB lần này vì thị trường hiện nay cũng đang có các cơ hội khác hấp dẫn để đầu tư.

VCB và đối thủ


Hiện tại thị trường niêm yết mới có duy nhất hai CP ngành NH là STB tại TPHCM và ACB tại Hà Nội. IPO VCB được dự báo sẽ tác động không nhỏ đến giá hai CP này. STB ngày 13.12 đứng mức 65.500đ/CP và ACB đóng cửa giá 164.800đ/CP. Vậy giả sử VCB có giá 150.000đ, liệu đầu tư vào CP nào sẽ có lợi?

Theo ông Lâm Minh Chánh, đánh giá cá nhân nếu VCB ở mức 140.000đ/CP sẽ tương đương với STB ở giá 70.000 đồng/CP và ACB giá 170.000đ/CP. "VCB giá 140.000đ là hợp lý, nếu cao hơn mức này, tiền có thể đổ ngược lại vào các CP khác", ông Chánh nhận xét.

Với trường hợp VCB giá 130.000đ/CP, STB giá 70.000đ/CP, ông Phan Phương Anh dường như vẫn chuộng STB hơn khi cho rằng NĐT nên dành khoảng 40% vốn vào VCB, 60% vốn vào STB. Theo ông Anh, tốc độ tăng trưởng và chỉ tiêu tài chính của ACB và STB là tốt hơn VCB. Động lực làm việc, chế độ đãi ngộ của ACB, STB là tốt hơn hẳn so với VCB. Tuy nhiên, VCB hiện đã có quy mô lớn hơn, lịch sử hoạt động lớn hơn và ít nhiều, tâm lý là NHTMQD vẫn có ảnh hưởng tích cực hơn đến tâm lý khách hàng.

Ông Lâm Minh Chánh thì cho rằng CP của cả 3 NH (STB, ACB và VCB) đều là CP tăng trưởng. "Tiềm năng tăng trưởng của VCB là rất lớn, nhưng chưa hiện rõ nét. Giống như thương hiệu của VCB, ai cũng thấy nó lớn, nhưng quy đổi sự đóng góp của nó vào kết quả kinh doanh thì chưa cao. So sánh với ACB và STB, VCB có thể đem lại lợi nhuận cao hơn nhưng rủi ro cũng cao hơn nhiều", ông Chánh nói.

Đại diện HSSC, ông Hoàng Anh Tuấn thì cho rằng về mặt định tính, VCB có những lợi thế về thương hiệu, thị phần thanh toán, XNK, dịch vụ thẻ, quản lý và công nghệ. Tuy nhiên hai NH đang niêm yết lại có lợi thế về mảng đầu tư và tính dụng tiêu dùng cùng sự năng động vì đã CPH nhiều năm. Về mặt định lượng, so sánh thông qua các chỉ số P/E thì PE của VCB với lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2007 là 1.500 tỉ, ước tính 2007 là 2.200 tỉ thì với tốc độ tăng trưởng cho là 50%/năm thì 2008 cũng chỉ có lợi nhuận là 3.300 tỉ. Như vậy EPS tương ứng 2008 là 2.200 đồng.

Nếu tính với khởi điểm 100.000 đồng thì PE là 45 mà đây là PE của tương lai 2008, như vậy là tương đối cao so với ACB và STB (khoảng 27 và 25).

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây