Thặng dư vốn: Trái khoáy!
Các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia buổi công bố thông tin của Vietcom-bank sáng 17-12 tại Hội trường Thống Nhất. Ảnh: H.Thúy
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, 70% số tiền thặng dư nếu có từ đợt IPO sẽ chuyển giao cho Nhà nước là trái khoáy, bởi Chính phủ cam kết không bán cổ phần của Nhà nước tức không thu tiền từ đợt IPO VCB. Điều này có nghĩa là số tiền thặng dư sẽ thuộc về cổ đông.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT VCB giải thích, Chính phủ quyết định cổ phần hóa VCB là giữ nguyên phần vốn Nhà nước là 10.987 tỉ đồng (70% vốn điều lệ), còn lại huy động thêm 30% sao cho vốn điều lệ là 15.000 tỉ đồng.
Nghị định 109 của Chính phủ quy định: Đối với doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, trường hợp không bán ra cổ phần Nhà nước mà chỉ phát hành thêm, tỉ lệ phát thêm bao nhiêu thì thặng dư vốn được giữ lại cho doanh nghiệp bấy nhiêu, phần còn lại phải chuyển giao cho Nhà nước.
Như vậy, VCB phát hành thêm 30% vốn điều lệ nên thặng dư vốn chỉ được giữ lại với tỉ lệ tương ứng. Tuy nhiên, ngày 26-12, VCB chỉ đấu giá 97.500.000 cổ phiếu, tương đương 6,5% vốn điều lệ. Riêng 225 triệu đến 300 triệu cổ phần (15% - 20% vốn điều lệ) phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài hiện đã có hai đối tác chiến lược đề nghị VCB tiếp tục đàm phán, những thỏa thuận cuối cùng sẽ đạt được sau đợt IPO này.
Cũng theo ông Bình, VCB sẽ sử dụng ngay thặng dư vốn trong chiến lược phát triển của mình, là củng cố hoạt động các công ty thành viên, tìm kiếm các dự án tốt để đầu tư; đặc biệt là tiếp tục góp vốn vào 8 ngân hàng mà VCB đã đầu tư bởi các ngân hàng này đang có nhu cầu tăng vốn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng lý giải của VCB vẫn chưa thật sự thuyết phục.
Chưa định giá đầu tư tài chính
Về việc VCB đã mua cổ phần tại các doanh nghiệp, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc VCB, cho biết toàn bộ số cổ phần mà VCB mua đều bằng mệnh giá, đến nay vẫn chưa định giá lại.
Hiện VCB đang nắm 50% vốn trong Ngân hàng Liên doanh Shinhan Vina, 51% trong VCB Fund Management, 45% Công ty Bảo hiểm Nhân thọ VCB Cardif,... Đặc biệt, VCB hiện đang là cổ đông lớn của hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó Gia Định 30%, tương đương 150 tỉ đồng, không chuyển nhượng trong 3 năm; Eximbank 14,34%; Phương Đông 8,69%... Ông Thanh cam kết với nhà đầu tư quý II/2008 VCB sẽ niêm yết cổ phiếu.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Quỹ Đầu tư VAM tại Việt Nam, VAM đã có kế hoạch tăng vốn lên 200 triệu USD để đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam, sẵn sàng tham gia đấu giá cổ phần VCB nhưng không đưa ra mức giá cao, vì VCB chưa cụ thể việc sử dụng thặng dư vốn, định giá lại mảng đầu tư tài chính, đồng thời một số thông tin khác thiếu rõ ràng sẽ làm cho nhà đầu tư khó định giá cổ phần