NHTM CP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM

Lĩnh vực: Tài chính > Ngành: Ngân hàng

Thặng dư vốn và đối tác chiến lược của Vietcombank ra sao?

Thặng dư vốn sử dụng thế nào?

Vấn đề được NĐT quan tâm cũng như có tác động đến quyết định đầu tư là kế hoạch sử dụng khoản thặng dư vốn trong đợt đấu giá sắp tới.

Ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch HĐQT VCB - cho biết, số vốn này sẽ được sử dụng đáp ứng nhu cầu phát triển VCB thành một tập đoàn đầu tư tài chính.

Hiện tại, VCB vẫn chưa đưa ra được con số cuối cùng do phương án CPH VCB "để ngỏ" khả năng giữ lại trên 30% thặng dư vốn theo Nghị định 109. Chính "phần mềm" này khiến giá VCB có thể tạo ra bất ngờ.

"Theo kế hoạch phát triển, VCB có tầm nhìn trở thành một tập đoàn đầu tư tài chính đa năng. Trong quá trình chuyển đổi đi lên từ một NHTMCP, VCB cần rót vốn thêm vào những NH, tổ chức hiện đang nắm giữ CP dài hạn như một loạt các NH TMCP, DN hay yêu cầu cơ cấu lại vốn của NH liên doanh" - ông Bình nói.

Ngoài ra, để phát triển thành tập đoàn, VCB cũng phải thành lập thêm nhiều đơn vị thành viên bên cạnh nhu cầu nâng quy mô của các đơn vị sẵn có (khoảng 23 đơn vị). Điều này sẽ tạo nên nhu cầu vốn rất lớn. Với chiến lược đổi mới toàn diện, VCB cũng cần hiện đại hệ thống công nghệ, cân đối lượng vốn đảm bảo tỉ lệ an toàn...

Ông Bình cũng cho biết mức độ sử dụng vốn cụ thể sẽ tuỳ nhu cầu: "VCB cố gắng tăng trưởng thêm nhiều phương diện, cả mảng dịch vụ và tín dụng. Nguồn vốn sẽ được đầu tư vào các định chế tài chính và tiếp tục cho vay các dự án. Chủ trương của chúng tôi là mở rộng hoạt động đầu tư kết hợp với các hoạt động cho vay truyền thống.

Vốn được dùng vào đâu, như thế nào sẽ được triển khai theo định hướng chiến lược, tín hiệu của thị trường, vào yêu cầu của các tổ chức hiện tại của VCB cũng như các DN trong thời gian tới.

Như vậy vể tổng thể nguồn vốn sẽ được sử dụng để xây dựng VCB thành một định chế tài chính mạnh, hiện đại, phù hợp với định hướng chiến lược, tầm nhìn của VCB".

Giá cho đối tác chiến lược: Hai khả năng

Tiến trình lựa chọn đối tác chiến lược không được thông tin cụ thể do những cam kết về bí mật đàm phán nhưng vẫn có khá nhiều câu hỏi được đặt ra. NĐT quan tâm nhất đến khả năng lựa chọn thành công hay không, nhất là kịch bản giá đấu thành công bình quân quá cao khiến NĐT chiến lược nước ngoài không mặn mà.

Ông Nguyễn Hoà Bình cho biết về cơ bản giá bán cho đối tác chiến lược sẽ phù hợp với Nghị Định 109, cụ thể là không thấp hơn giá đấu thành công bình quân. Tuy nhiên, nghị định cũng còn một khả năng nữa là trình Chính phủ quyết định trong trường hợp cần thiết.

"Dự kiến sau khi IPO thành công, chúng tôi sẽ xúc tiến đàm phán với các đối tác. Kế hoạch cũng như mức giá cụ thể vẫn chưa thể công bố. Việc lựa chọn đối tác chiến lược sau khi IPO có tiền lệ và mức giá còn phụ thuộc vào quyết định của chính phủ chứ không phải quyết định của riêng VCB".

Ngoài hai vấn đề lớn được NĐT quan tâm, một số câu hỏi khác cũng được đặt ra liên quan đến tỉ lệ phát hành cho CBCNV ở mức 3,5% là quá cao so với tỉ lệ IPO chỉ có 6,5%. Đại diện VCB cho biết, tỉ lệ 3,5% là dành cho cả đối tượng nắm giữ trái phiếu tăng vốn được quyền chuyển đổi mặc nhiên theo giá đấu thành công bình quân.

"Việc bán CP cho CBCNV, VCB đã xin ý kiến Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và được chỉ đạo thực hiện theo quy định của Nghị định 109, tức là tính theo thâm niên công tác, mỗi người được mua không quá 1 triệu đồng giá trị mệnh giá/năm làm việc và được ưu đãi giảm 40% so với giá bình quân. Tỉ lệ 3,5% trong cáo bạch chỉ là mức phỏng đoán. Đối với các cán bộ đã rời khỏi VCB trước khi CPH, tuỳ từng trường hợp cụ thể và VCB cũng đã có một quy chế quy định rất cụ thể" - ông Bình cho biết.

Về việc lùi tiến độ phát hành và niêm yết ở nước ngoài, ông Nguyễn Văn Tuân - Phó TGĐ - cho biết, VCB đã có kế hoạch sớm hơn nhưng do sự chậm trễ trong khâu IPO và chọn lựa đối tác nước ngoài nên phải lùi tới năm 2009.

Ngoài ra, để niêm yết trên sàn quốc tế, VCB phải đáp ứng nhiều yêu cầu. Chẳng hạn TTCK Hồng Kông yêu cầu DN phải có quy định thành viên HĐQT độc lập, có thành viên HĐQT là người sở tại hay quan tâm cả đến cơ cấu quản trị, hệ thống trả lương...

Về danh mục đầu tư của VCB, ông Nguyễn Phước Thanh - TGĐ - cho biết, trong tổng số 31.116 tỉ đầu tư vào CK năm 2006, khoảng 570 tỉ được đầu tư vào CK kinh doanh, 26.000 tỉ đầu tư vào CK sẵn sàng bán và khoảng 4.000 tỉ vào CK giữ đến ngày đáo hạn như TPCP, TP Cty...

Ông Thanh cũng cho biết, đây là khoản đầu tư chưa được đánh giá lại và giá trị có thể lớn hơn thực tế ghi nhận.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây