Đợt IPO của Vietcombank đang thu hút sự quan tâm của NĐT - Ảnh: D.Đ.Minh |
Trao đổi với Báo Thanh Niên, giám đốc một doanh nghiệp cho biết, ông đến đây để xem khối lượng, giá cả mà các nhà đầu tư khác dự tính thế nào để xem xét đưa ra mức giá đấu. Theo ông, mức giá đấu thành công bình quân thấp nhất nhiều khả năng là 160.000 đồng/cổ phiếu và có thể có người bỏ đến mức rất cao, thậm chí lên đến 300.000 đồng/cổ phiếu! Theo nhà đầu tư này, hiện nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cho rằng sẽ khó giành chiến thắng khi tham gia đợt IPO này.
Một số nhà đầu tư khác cho biết họ sẽ đặt giá chỉ ở mức 120.000 -130.000 đồng/cổ phiếu. Anh Đặng Huy Minh, một nhà đầu tư trên sàn giao dịch Hà Nội nói: "Tôi dự tính bỏ giá 130.000 đồng thôi, nếu không được thì thị trường hiện nay cũng còn nhiều "cửa" vì giá nhiều loại cổ phiếu đang khá rẻ". "Tôi nghĩ là lượng hàng trên thị trường sắp tới sẽ rất lớn, nên còn nhiều cơ hội vì theo quy định của Luật Doanh nghiệp, từ nay đến tháng 10.2010, các doanh nghiệp nhà nước phải chuyển đổi xong. VCB chỉ là một trong 4 ngân hàng thương mại lớn đầu tiên nên thị trường hàng hóa để cho các nhà đầu tư lựa chọn còn rất nhiều" - anh này nói. Nhận xét về các báo cáo trình bày của lãnh đạo VCB, nhà đầu tư này nói: "Tôi rất mừng khi nhận thấy nợ xấu của Vietcombank, nợ không có khả năng thu hồi phải lấy quỹ dự phòng bù đắp của Vietcombank là thấp - khoảng 2%".
Một nhà đầu tư khác cũng tham dự buổi thuyết trình nhận xét: "Theo thông báo của ông Nguyễn Hòa Bình (Chủ tịch Hội đồng quản trị của VCB), tôi cũng thấy mức giá khởi điểm của họ đưa ra (100.000 đồng/cổ phiếu) là hợp lý. Bởi thương hiệu VCB trong lĩnh vực ngân hàng tài chính là hàng đầu; khi mà các nước nhận được thông báo từ Việt Nam, nói đến VCB là người ta chấp nhận ngay". Tuy nhiên, ông này cũng nói: "Có một băn khoăn là Vietcombank sẽ phải nộp 70% phần thặng dư cho Nhà nước. Tỷ lệ như thế là quá cao bởi cái phần thặng dư đó là uy tín của VCB, thành tích của VCB mang lại nên nhà đầu tư mới hăng hái mua. Mà nhà đầu tư mua thì họ mong chờ cổ phiếu mình đầu tư vào, số tiền đó sẽ để lại cho VCB để đầu tư. Thực tế, chưa có cái IPO nào trên thế giới phải nộp phần thặng dư lớn như quy định đối với VCB. Nếu thu như thế sẽ không công bằng, không mang lợi ích đối với nhà đầu tư. Nếu Nhà nước không thu 70% thì giá sẽ không phải là 100.000 đồng/cổ phiếu nữa mà sẽ cao hơn. Cái này là điều mà các nhà đầu tư đang rất quan tâm".