NHTM CP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM

Lĩnh vực: Tài chính > Ngành: Ngân hàng

Vietcombank và tấm đệm 14.700 tỷ đồng

Hiện Vietcombank có gần 1.000 tỷ thặng dư cổ phần hóa, 5.500 tỷ đồng từ lợi nhuận chưa phân phối và 8.300 tỷ thặng dư phát hành cổ phần cho Mizuho.
 
Vật lộn với chỉ tiêu an toàn vốn

Với vị thế là ngân hàng thuộc tốp đầu ngành có lẽ Vietcombank cũng là ngân hàng thấm thía nhất về khó khăn trong quá trình nâng hệ số CAR. Trở lại thời điểm 3 năm về trước, khi Vietcombank phải thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu và giới hạn xác định vốn cấp 1 và vốn cấp 2 theo hướng dẫn của NHNN về xác định vốn tự có. 
 
Vietcombank  còn là ngân hàng thương mại Nhà nước đầu tiên phải cổ phần hóa và để có thể tăng vốn phải lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược. Chính bởi rào cản này mà hệ số an toàn vốn của Vietcombank đến cuối 2009 chỉ đạt 8,11%, nếu tính theo số liệu trước phân phối lợi nhuận của năm đó thì CAR thậm chí chỉ đạt 7,07%.
 
Để đảm bảo chỉ tiêu an toàn vốn tối thiểu của Thông tư 13/2010 có hiệu lực từ 01/10/2010 do NHNN ban hành, Vietcombank liên tục thực hiện tăng vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên đến 31/12/2010, sau đợt tăng vốn thêm 9,28% vào giữa năm thì CAR mới đạt 8,37%. 
 
Theo báo cáo của ban kiểm soát, sau khi tăng vốn thêm 33% vào tháng 2/2011 thì tỷ lệ này mới đạt theo quy định của NHNN là 9%. 
 
Trong năm 2011, Vietcombank tiếp tục chi trả cổ tức bằng cổ phiếu 12% tăng vốn điều lệ thì tỷ lệ CAR vào cuối năm mới đạt 9,63%. 
 
Trải qua 3 năm với 3 đợt tăng vốn Vietcombank mới tạm an tâm với tỷ lệ an toàn vốn vượt qua mức tối thiểu của NHNN. Tuy nhiên trong thời kỳ đầy biến động của thị trường tài chính, các tiêu chuẩn Basel cũng liên tục thay đổi với tiêu chí nâng dần tỷ lệ CAR của các TCTD thì Vietcombank cũng không thể nằm ngoài xu thế.
 
Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết kế hoạch của ngân hàng năm 2012 sẽ nâng tỷ lệ an toàn vốn lên tối thiểu 12%. Dựa vào đâu để Vietcombank tự tin hoàn thành mục tiêu đề ra?
 
Tấm đệm 14.700 tỷ đồng
 
Xoay chuyển tình hình ở Vietcombank  nằm chính ở việc phát hành thành công 15% cổ phần cho Mizuho. Mặc dù được thực hiện cổ phần hóa đầu tiên nhưng Vietcombank không phải là ngân hàng đầu tiên bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài. Vietinbank đã đi trước một bước. 
 
Chính nhờ nguồn vốn phát hành thêm cho đối tác IFC mà chủ tịch Vietinbank rất tự tin cho rằng ngân hàng luôn đáp ứng được tỷ lệ CAR tối thiểu 9% và mục tiêu hướng tới là 11%. 
 
Nhìn vào bảng cân đối tài sản của Vietcombank tính đến 31/12/2011,  có 995 tỷ đồng từ thặng dư vốn cổ phần, 5.521 tỷ đồng là lợi nhận chưa phân phối. Như vậy Vietcombank có thể bổ sung thêm 6.500 tỷ vào vốn điều lệ để nâng hệ số an toàn vốn lên. 
 
Không chỉ có vậy,  hơn 347 triệu cổ phiếu được phát hành với giá 34.000 đồng/cổ phiếu thu về khoản thặng dư 8.300 tỷ thì Vietcombank có hơn 14.700 tỷ đồng sẵn sàng cho mọi tình huống. 
Như lời ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, thì đây chính là tấm đệm an toàn cho các hoạt động của Vietcombank. 
 
Không chỉ giúp cho Vietcombank đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính, đây cũng chính là nguồn vốn giá rẻ cho các hoạt động cho vay của Vietcombank. 
 
“Riêng chương trình nông nghiệp nông thôn cho vay ưu đãi, chỉ 1,5%/năm nhưng giảm lợi nhuận đi khoảng 700 tỷ. Tuy nhiên việc cho vay giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khỏe mạnh lên. Doanh nghiệp có khỏe thì ngân hàng mới khỏe được. Đó là phát triển bền vững, lâu dài ”- ông Thanh chia sẻ. 
 
Nhiều cổ đông đã mua và nắm giữ cổ phiếu Vietcombank ở mức giá cao mong muốn được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn thặng dư, nhưng ban lãnh đạo Vietcombank cho rằng đây chưa phải thời điểm thích hợp. Bởi lẽ nguồn vốn này thuộc về cổ đông nên sớm hay muộn cũng sẽ chia cho cổ đông, nhưng nếu tăng vốn điều lệ lên cao mà chưa có kế hoạch kinh doanh tốt thì lợi tức đem lại cho cổ đông không cao.
 
Ông Thanh nói : Khi nhà đầu tư nhìn vào ngân hàng thì ngoài việc nhìn vào lợi nhuận làm ra, người ta còn nhìn vào bề dày vốn, sức chịu đựng của ngân hàng như thế nào. Lợi nhuận là một nhân tố nhưng đó không phải là yếu tố quyết định. Nếu tình ngoài vốn điều lệ ra chúng ta còn gần 15.000 tỷ. Đây là giá trị của Vietcombank. Nhờ vào đó chúng tôi vượt qua khó khăn, giữ được vị thế của Vietcombank.
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây