![]() |
Còn nhiều bận rộn với những vấn đề WTO của Việt Nam. (Ảnh: Phước Hà) |
Nhiều nước không nghĩ Việt Nam vào WTO nhanh đến thế
- Ngay trước ngày kết nạp Việt Nam vào WTO đã nảy sinh những khó khăn bất ngờ. Những đòi hỏi mới của các đối tác đã được xử lý thế nào để Việt Nam sớm kết thúc đàm phán và lễ kết nạp chính thức diễn ra vào 7/11/2006?
- Trong những ngày 1-13/10/2006 là thời điểm cực kỳ sôi động. Chúng ta đã giải quyết hết các vấn đề để đi đến kết thúc đàm phán. Lúc đó, bất ngờ có thêm một đối tác yêu cầu đàm phán với Việt Nam, vấn đề MFM trong vận tải biển được một đối tác khác đặt ra, trong khi còn nhiều vấn đề khác như thuế tiêu thụ đặc biệt của rượu bia... chưa xong. Thời gian gấp rút, đàm phán rất căng thẳng, ngày 10/10 mới giải quyết xong thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia, 13/10 mới xong việc loại trừ MFM trong vận tải biển.
Đến ngày 13/10, mọi việc coi như hoàn toàn kết thúc. Hôm đó, là thứ 6 ngày 13, là một ngày kỵ của người phương Tây nhưng chúng tôi coi đó là ngày hên của Việt Nam. Kết thúc đàm phán, ông Pascal Lamy mời cả đoàn lên phòng uống rượu sâm panh chúc mừng. Thực chất, hôm kết nạp chỉ là thủ tục. Đối với đoàn đàm phán cảm xúc đã vơi đi nhiều vì chúng tôi đã đi qua thời điểm căng thẳng nhất.
- Ông còn nhớ, khi Việt Nam kết thúc đàm phán, các đối tác đánh giá thế nào về quá trình đàm phán của Việt Nam?
- Các đối tác đánh giá cao về quá trình đàm phán của Việt Nam, nhất là quá trình cải cách pháp luật của Việt Nam đã cho thấy quyết tâm gia nhập WTO của Việt Nam là rất cao. Đến ngày kết nạp, trong số 26 luật và pháp lệnh thì chúng ta đã hoàn tất cơ bản. Các đối tác cũng đánh giá cao thái độ kiên trì, mềm dẻo của Việt Nam trong đàm phán. Trưởng đoàn Agentina cho biết, ông nghĩ rằng bốn năm nữa Việt Nam mới gia nhập WTO. Khi đó, Nga là nước được xếp ưu tiên gia nhập WTO, nhưng Việt Nam đã gia nhập WTO trước Nga. Đến dịp APEC 2007, chính Việt Nam đã chứng kiến Nga và Mỹ kết thúc đàm phán tại Hà Nội.
- Ông có thể cho biết, đâu là những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình đi đàm phán WTO của mình?
- Kỷ niệm đáng nhớ đầu tiên là lúc mới nhận nhiệm vụ đàm phán. Lúc đó, những người đàm phám cũ hầu như đã chuyển công tác. Việt Nam vẫn chưa có bản chào và mới trả lời được 1.000 trong tổng số 3.316 câu hỏi, nhận công tác đàm phán mà không biết đến bao giờ kết thúc. Đó là năm 2.000. Lúc đó có người nói, Trung Quốc mất 15 năm, Việt Nam phải 13-14 năm hay lâu hơn.
Tôi vẫn nhớ, trong cuộc họp đầu tiên của đoàn đàm phán đã có rất nhiều ý kiến, người thì bảo phải làm một bản chào ban đầu, người thì bảo chưa nên làm. Có ý kiến cho rằng đưa ra bản chào dịch vụ trước, người thì bảo thuế trước... tranh luận dai dẳng với nhau không đi đến quyết định nên làm thế nào, mà phải mất vài phiên họp mới đi đến thống nhất. Đến khi có bản chào thứ nhất, họ chưa chấp nhận, lần thứ 2, thứ 3 cũng chưa được chấp nhận và phải đến bản chào lần thứ 4 thì WTO mới chấp nhận.
![]() |
Hình ảnh đoàn đàm phán Việt Nam tại vòng đa phương 12. (Ảnh: Phước Hà) |
Điều thứ 2 đáng nhớ là sự căng thẳng trong đàm phán với Mỹ, căng thẳng đến mức mọi người bỏ về hết và có nguy cơ đổ vỡ đàm phán với Mỹ. Nếu khi đó đổ vỡ đàm phán với Mỹ thì đàm phán sẽ kéo dài và chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Làm việc thì có sự căng thẳng giữa hai bên nhưng mình là Trưởng đoàn đàm phán thì có trách nhiệm giữ được các kênh đàm phán. Tôi đã ngồi lại giải thích về sự hiểu nhầm lẫn nhau và yêu cầu họ quay trở lại bàn đàm phán. Sau đó, mình lại quay ra gọi anh em tiếp tục vào phòng đàm phán. Lúc đó, anh em đã rất mệt và đang nghỉ ở một phòng cách đó 300m. Khi đàm phán, một mặt mình phải giữ được lập trường của mình nhưng cũng phải kéo được họ trở lại bàn đàm phán, để không đổ vỡ và mình không phải hy sinh lợi ích... Phải đạt một lúc được nhiều yêu cầu.
Việt Nam đã tận dụng được cơ hội WTO
- Một năm là thành viên WTO, Việt Nam đã thực hiện các cam kết của mình thế nào? Tại sao vẫn có những ý kiến của các nhà đầu tư về việc triển khai thực hiện các cam kết WTO?
- Nhìn chung là chúng ta thực hiện tốt. Tất cả các luật và pháp lệnh cam kết đã hoàn tất, chỉ còn 1 số văn bản dưới luật đang hoàn thiện. Đến nay, chúng ta không có vi phạm nào về thực hiện cam kết WTO. Trong khi đó, một số nước lớn như Mỹ vẫn có vi phạm WTO. Tuy nhiên, chúng ta mới bắt đầu triển khai thực hiện cam kết, chúng ta cắt giảm thuế, mở cửa thị trường là phải theo lộ trình và kết thúc vào 7 năm sau gia nhập. Việc xem xét thực hiện cam kết là xem xét có làm đúng lộ trình hay không. Đừng lấy cái cuối lộ trình để so với mức ta đang thực hiện. Hiện nay, có tình trạng DN nước ngoài muốn VN thực hiện cam kết nhanh hơn. Tuy nhiên, việc xử lý thế nào thì Chính phủ phải căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế và trình độ DN trong nước.
- Việc thực hiện cam kết WTO sẽ có những tác động đến DN trong nước, chúng ta hoàn toàn có thể vận dụng linh hoạt và đúng luật để phù hợp nhất với tình hình trong nước. Tuy nhiên, điều này dường như chưa được thực hiện một cách có lợi nhất ?
- Gia nhập WTO chúng ta được phép sử dụng tất cả quy định, những rào cản nào mà WTO cho phép. Việt Nam phải áp dụng như thế nào để vẫn mở và phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo lợi ích trong nước một cách có lợi nhất. Điều này phụ thuộc vào tư duy của người làm chính sách, phải biết khôn khéo sử dụng rào cản một cách hợp pháp. Ví dụ, chúng ta cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào nhưng tỷ lệ mở mỗi năm một khác theo lộ trình, bên cạnh đó mở rộng về phạm vi địa lý phải xem xét dần tùy theo nhu cầu thực tế.
Chúng ta biết rằng, có những điều WTO không cho phép dưới hình thức này nhưng cho phép dưới 1 dạng khác. Vấn đề là mình phải biết vận dụng để thực hiện. Ví dụ, chúng ta bỏ chính sách thay thế hàng nhập khẩu là đúng nhưng phải chú ý những mặt hàng trong nước có nhu cầu và chúng ta có khả năng thì phải xây dựng chính sách để khuyến khích phát triển trong nước. Mỗi năm nhập khẩu 450 triệu USD tiền thức ăn gia súc, chủ yếu là ngô, đậu tương, khô dừa... những mặt hàng này trong nước đều có thể sản xuất, nhưng lại chưa có chính sách tốt để phát triển. Chúng ta xuất quặng thô và nhập khẩu phôi thép, nhập khẩu hàng triệu tấn clinke trong khi trong nước có nguyên liệu sản xuất... Vì vậy, cần phải có chính sách trợ giống, vận tải, xóa đói giảm nghèo... không trái với quy định WTO để phát triển sản xuất trong nước.
- Sau một năm gia nhập WTO, ông nhận thấy Việt Nam đã tận dụng được cơ hội khi trở thành thành viên WTO hay chưa?
- Tôi nghĩ Việt Nam đã tận dụng được. Trước hết là nhận thức về WTO của người dân và DN đã nâng lên rất nhiều và từ đó chính mỗi DN, mỗi tổ chức đã có những điều chỉnh là đúng đắn. Chúng ta cũng đã tranh thủ tốt vốn đầu tư nước ngoài, chưa bao giờ cả thế giới chú ý đến Việt Nam về mặt làm ăn kinh tế như bây giờ vì các DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ... nhất là các tập đoàn lớn đang hướng đến thị trường Việt Nam.
Một vấn đề nữa là chúng ta đẩy mạnh cải cách hành chính. Vào WTO chúng ta có một hệ thống pháp luật đổi mới và phù hợp với chuẩn mực quốc tế hơn. Vấn đề là chúng ta phải tổ chức triển khai thực hiện thật tốt. DN cũng có sự thay đổi rất nhanh, DN đã xem sự liên kết như là một điều kiện sống còn. Nếu trước đây tính liên kết giữa các DN yếu thì bây giờ đã liên kết hình thành các tập đoàn, các công ty lớn... Nhất là các công ty tư nhân họ liên kết với nhau rất mạnh để đa dạng lĩnh vực kinh doanh, liên kết tạo sức mạnh và hỗ trợ nhau.
Nhưng có những điều chúng ta chưa thực hiện được. Cụ thể, đầu tư nước ngoài vào thì nhiều nhưng vấn đề tổ chức triển khai còn chưa được như mong muốn. Tôi cho rằng, đây là năm đầu nên chúng ta còn chấp nhận được nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho khai thác tốt trong năm sau. Nếu năm thứ nhất làm tốt ở mức này nhưng mà năm thứ 2 vẫn thế thì các nhà đầu tư sẽ chán.
- Là người đã từng trực tiếp tham gia đàm phán và ký kết gia nhập WTO, ông cho rằng, bao lâu sau khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ có sự phát triển đột biến?
- Nếu chúng ta có quyết tâm cao thì chỉ 2-3 năm nữa là sẽ có những bước phát triển đột biến. Trung Quốc mất 5 năm còn Việt Nam nếu biết tận dụng cơ hội, thúc đẩy phát triển thì chỉ mất 2-3 năm. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta phải tiếp tục đổi mới trên nhiều lĩnh vực, đổi mới để tăng tốc độ, tăng hiệu quả và chớp lấy cơ hội. Tất cả các nước quan tâm đến Việt Nam và Việt Nam phải nỗ lực để chớp lấy thời cơ.