Tăng vốn dồn dập
Không biết vô tình hay hữu ý UBCKNN lại dồn thời điểm cấp phép tăng vốn cho các NH vào dịp cuối năm. Chỉ trong vòng 2-3 tuần, UBCKNN đã cấp phép trên 10 NH tăng vốn điều lệ. Số lượng vốn tăng lên của các NH khá cao, từ 1.100-1.800 tỷ đồng/NH, thấp nhất cũng từ 200-500 tỷ đồng mệnh giá. Giá phát hành CP NH hầu hết từ 1,2-4 lần mệnh giá, có NH lên gấp 6 lần mệnh giá (DongABank). Tính ra số vốn huy động từ đợt phát hành này của các NH ít nhất cũng xấp xỉ gần 11.000 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng vốn của NH đưa ra từ đầu năm và đã được đại hội cổ đông thông qua, nên khi thủ tục pháp lý hoàn tất thì NH cũng phải thực hiện, cho dù thời điểm tăng vốn trùng với hàng loạt các đợt IPO của các doanh nghiệp khác.
Tăng vốn ngoài mục tiêu đạt mức yêu cầu tăng khả năng tài chính để đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ, các NH còn nhắm đến việc có nguồn vốn lớn giúp các NH có thể giao dịch với các khách hàng lớn, mở rộng hoạt động trong các năm tới.
Đặc biệt, theo quy định của NHNN, các NH muốn bán cổ phần cho đối tác nước ngoài để nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật thì phải đạt được mức vốn điều lệ của NHNN quy định, ít nhất là 1.000 tỷ đồng. Hiện có không ít NH đã chọn đối tác nước ngoài, chỉ chờ tăng vốn đúng quy định để hợp thức hóa việc ký kết.
Hiện nay các cổ đông ACB đã tất tả chạy tiền, chuẩn bị mua trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) trong đợt phát hành 1.350 tỷ đồng sắp tới. Mặc dù đuối sức khi phải đóng tiền mua CP tăng vốn với giá phát hành 6 lần mệnh giá, nhưng nhiều cổ đông của DongABank cho biết đành phải chấp nhận, vì nếu không mua thì sẽ mất quyền lợi.
Ăn, ngủ cùng... cổ phiếu
Trước áp lực tăng vốn, nhiều NĐT đã xoay tiền mọi cách, từ việc bán bớt CP khác, đến vay vốn NH. Tuy nhiên thời điểm này việc vay vốn bằng cầm cố CP NH rất khó với các NĐT. Cuối năm đang là thời điểm chạy nước rút thực hiện Chỉ thị 03 của các NH thương mại, nên phần lớn các NH hầu như đóng cửa việc cho vay cầm cố CP.
Nhiều NH còn room thì ưu tiên phần đó dành cho các CTCK trực thuộc hoặc liên kết chỉ cho vay ứng trước tiền mua CP, repo CP niêm yết trên sàn chính thức. Trong các CP NH được các NH cho vay là các NH lớn như ACB, Sacombank, Eximbank, DongAbank… Hạn mức cho vay khá thấp, chỉ từ 2-3 lần mệnh giá.
Mới đây Eximbank đã cho phép các cổ đông có thể chi vượt số dư trên tài khoản tiền gửi thanh toán đến 200 triệu đồng với hạn mức thấu chi tối đa 12 tháng, giúp cổ đông giải quyết nhanh chóng nhu cầu vốn của mình. Hiện đã có nhiều NĐT chọn phương án này mặc dù lãi suất cao hơn lãi suất cho vay thông thường.
Trên thị trường OTC, CP NH vẫn đang ở tình trạng cung nhiều, cầu ít, tính thanh khoản khá thấp. Dự báo tình trạng này vẫn còn tiếp diễn khi sắp tới 3 NH mới được thành lập hút vốn trên thị trường gần 10.000 tỷ đồng, chưa kể đợt IPO của VCB dự báo cũng sẽ hút vốn trong nước trên 1 tỷ USD.