Vay tiền chơi OTC: Điêu đứng

Giới đầu tư chứng khoán ước tính khoảng 50% người chơi OTC bằng tiền vay, thậm chí không ít trong số đó phải thế chấp tài sản để vay tiền ngân hàng. Trong điều kiện thị trường OTC ế ẩm như hiện nay, với những người vay tiền ôm CP, áp lực lãi vay buộc họ phải tìm mối bán dù giá thấp. Đây cũng là quan điểm của chị Thanh Hương, NĐT trên sàn Bảo Việt, chị khẳng định, trong đám bạn bè của mình, cứ 10 người chơi thì có đến 5 người thế chấp tài sản.

Quả thực, với những người vay tiền chơi chứng khoán OTC, mỗi người mỗi hoàn cảnh riêng khác nhau nhưng hiện nay đều rơi vào tình trạng chung: điêu đứng. Nắm trong tay 2.000 CP Hòa Phát, anh Thanh ở Hoàn Kiếm sốt ruột khi đăng 3-4 lần trên một số trang web mua bán CP OTC mà vẫn không có người mua, có người đồng ý giá 90.000 đồng/CP, thỏa thuận xong xuôi rồi lại… xù mất. Còn NĐT Hoài Minh (sàn ACB-Hà Nội) thì bức xúc: “Tôi trúng đấu giá 30.000 CP Đạm Phú Mỹ với mức giá 54.000 đồng và được ngân hàng cho vay 40%, trên 600 triệu với lãi suất 1,2%/tháng. Một tháng riêng tiền lãi tôi đã mất đứt hơn 7 triệu bạc. Rao bán 2 tháng nay để trả nợ với giá chỉ 63.000 đồng/CP mà không ai mua. Có lẽ bán xong lô CP này, tôi cạch luôn chứng khoán OTC”.

Những trường hợp vay tiền để mua CP với lãi cao nhằm mục đích “lướt sóng” nhanh, kiếm lời nhanh mới là bi kịch. Anh Hưng ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) là một trường hợp như thế. Tháng 3/2007, anh đã bàn với vợ đem giấy tờ nhà thế chấp ngân hàng để vay tiền mua 500 CP ngân hàng Eximbank với giá 13 triệu đồng/CP (mệnh giá 1 triệu đồng) và dự định bán ngay để kiếm lời. Thế nhưng diễn biến bất ngờ của thị trường khiến vợ chồng anh trở tay không kịp... Hiện tại, số CP của anh đã rớt giá gần một nửa. Áp lực lãi vay khiến anh buộc phải rao bán giá rất thấp nhưng vẫn chưa có ai “rước”. Tiền lương hàng tháng của hai vợ chồng dồn trả lãi cũng chẳng còn lại là bao nhiêu.

Hiện tại, trên thị truờng OTC, rất nhiều nhóm CP giảm giá mạnh. Đơn cử như CP của nhóm ngân hàng quy mô vừa và nhỏ: Southern Bank, Navibank… đã giảm trên 50% so với đầu năm 2007. Điều này khiến nhiều NĐT đi vay tiền ngân hàng mua CP ngân hàng theo kiểu quay vòng “đau” hơn do phải trả lãi ngân hàng rất lớn, gấp 2-3 lần lợi tức mà các ngân hàng thương mại chia cho họ. Vì vậy, việc trả nợ vay ngân hàng đang đè nặng tâm lý NĐT.

Ngoài ra, chính sách siết chặt tiền tệ của NHNN đang hối thúc các ngân hàng thu hồi nợ làm nhiều NĐT phải điêu đứng. Họ rơi vào tình trạng muốn “om vốn” không được mà bán đi trả nợ cũng không xong, hàng ngày bị đè nặng bởi lãi ngân hàng. Tính theo dân kinh doanh, khoản lãi ngân hàng theo thời gian cũng chả thua kém sự sụt giảm của giá CP là bao nhiêu. Chính vì vậy, vay tiền chơi OTC - “bị” làm cổ đông bất đắc dĩ của một CP nào đó là nỗi sợ của nhiều người hiện nay. Những NĐT đang vay tiền ngân hàng chơi OTC giờ đành hoặc bán tháo giá rẻ chấp nhận chịu lỗ để trả vốn chứ ít người chịu được lâu, vì càng lâu, nợ càng lớn

Còn tại các ngân hàng, vài tháng trở lại đây, doanh số cho vay đầu tư chứng khoán tại các ngân hàng chững lại, thậm chí giảm so với cuối năm ngoái. Tại Ngân hàng cổ phần Xăng dầu (PG Bank), dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán giảm 20%, nhiều khách hàng thấy thị trường bất ổn đã bán ngay CP để trả nợ trước hạn; Ngân hàng Cổ phần Việt Á, dự nợ tín dụng nói chung vẫn tăng 16% so với cuối năm ngoái, song cho vay chơi chứng khoán đã giảm nhẹ.

Thực tế, cho vay đầu tư chứng khoán là mảng mang lại siêu lợi nhuận, song đi kèm với nó là rủi ro rất lớn. Chính vì vậy, bao giờ ngân hàng cũng phải nắm đằng “chuôi”, đưa ra những quy định chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro. Việc này rõ ràng đem lại một “hiệu ứng ngược”: ngân hàng nắm đằng “chuôi” thì chắc chắn NĐT sẽ nắm đằng “lưỡi”.

Theo dự báo của các chuyên gia ngành chứng khoán, giá CP trên sàn OTC sẽ khó có thể trở lại mức đỉnh như thời kỳ đầu năm 2007. Vì vậy, NĐT đang chơi chứng khoán, đặc biệt là vào thời kỳ đỉnh điểm (cuối năm 2006, đầu năm 2007) bằng tiền vay hãy cân nhắc nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro…

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây