Ế vì cao giá
Theo thông báo chính thức của ga Sài Gòn, hiện tại (tức ngày 26.12 – PV) – sau hơn hai tháng bán vé tàu tết, ga Sài Gòn vẫn còn 20.238 vé đi các ngày từ 16 – 21.1.2014 và ngày 29.1.2014. “Nếu như mọi năm thì vé tàu đã được bán hết. Năm nay, có thể vé tàu không bán hết được theo kế hoạch”, ông Nguyễn Văn Thành, trưởng ga Sài Gòn, chia sẻ.
Theo ông Thành, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do các trường đại học vẫn chưa quyết định ngày thi cử nên sinh viên chưa dám mua vé tàu trong các ngày còn trống. “Chúng tôi đang điện thoại hỏi thăm các trường đại học về chuyện thi cử, để còn tính toán với số vé dành cho sinh viên”, ông Thành nói.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị thì còn một nguyên nhân không nhỏ khiến năm nay có thể không tiêu thụ hết vé (chủ yếu tập trung ở các vé từ Sài Gòn đi Huế trở ra đến Hà Nội) do hành khách đang có sự so sánh về mức giá giữa các loại hình dịch vụ vận tải dịp tết.
Chị Trần Thị Quế, quê ở Thái Bình, đang làm việc tại khu công nghiệp Tân Bình, sở dĩ năm nay gia đình chị không chọn đi tàu hoả là do giá vé tàu hoả từ Sài Gòn đi Hà Nội loại giường nằm đã lên đến gần 2,1 triệu đồng/vé trong các ngày cao điểm, trong khi đi xe chỉ mất hơn triệu đồng/vé, chưa kể bao ăn.
Còn theo anh Trung Dũng, nhân viên một cơ quan truyền thông, quê ở Nghệ An, sở dĩ vé tàu tết năm nay tăng cao là do nhà tàu tăng giá vé lên đến 10% ở một tuyến đường so với năm ngoái, trong khi giá vé máy bay tết năm nay còn rẻ hơn năm ngoái khiến giá vé máy bay và tàu hoả dịp tết năm nay không chênh lệch bao nhiêu.
“Năm ngoái tôi cũng về quê vào 27 tết với giá vé máy bay khứ hồi hơn 7 triệu đồng. Thế nhưng năm nay, cũng ngày 27 tết đi giá vé chỉ 3,1 triệu đồng vé. Như vậy so với giá vé tàu giường nằm chỉ hơn 1 triệu đồng. Do vậy, dại gì tôi không di chuyển bằng máy bay, vừa nhanh, vừa đỡ mất tiền chi phí ăn uống như đi tàu”, anh Dũng phân tích.
Cần phải tính toán lại!
Lý giải việc giá vé tàu các tuyến xe (từ Huế đổ ra) cao hơn vé xe tết và gần tiệm cận với giá vé máy bay, trưởng ga Sài Gòn Nguyễn Văn Thành nói: “Bản thân chúng tôi cũng đâu muốn tăng giá vé. Nếu tàu hoả chỉ phục vụ hành khách đi những tuyến đường xa mà không phải phục vụ khách đi tuyến đường gần (từ Đà Nẵng đổ vào) thì giá vé sẽ giảm rất nhiều”.
Theo ông Thành, để giá vé tàu hoả giảm thì nên chia cự lỵ vận chuyển cho các loại hình vận tải là hay nhất.
Liên quan đến đề xuất này, trước đó, ông Đinh Văn Sang, phó tổng giám đốc công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn đã từng đưa ra cách tính cụ thể. Ông Sang phân tích, để giải quyết tất cả các bất cập trên, không thể một mình ngành đường sắt làm được mà phải có sự tham gia của các cơ quan chức năng cao hơn và phải có sự tham gia của bộ Giao thông vận tải.
Thực ra, ngành đường sắt cũng đã đề nghị phải có sự phối hợp của đường sắt, đường bộ và đường hàng không mới giải quyết được vấn đề trên. “Cần xem xét phương án đường bộ chỉ vận chuyển hành khách những tuyến gần, đường sắt và hàng không vận chuyển hành khách có cự ly xa. Như vậy mới mong giảm tải được cho ngành đường sắt mỗi khi tết đến”, ông Sang nói.
Nếu đề xuất trên được thực thi (theo nhiều người trong ngành vận tải thì hoàn toàn có thể áp dụng), ngoài việc giảm tải được lượng hành khách tranh mua vé tàu tết, còn hạn chế được các vụ tai nạn giao thông đường bộ trong mỗi dịp cao điểm đi lại mùa tết.
“Nếu xe ôtô chỉ chạy cự ly ngắn khoảng 500km thì tài xế đỡ mệt, đỡ buồn ngủ, đầu óc minh mẫn, xử lý tình huống tốt hơn; và đặc biệt là độ an toàn kỹ thuật của xe cao hơn. Còn như hiện nay, có những tuyến xe khách chạy ở cự ly hơn 1.500km, với thời gian chạy vài ngày, thử hỏi làm sao đảm bảo các yếu tố an toàn, khi mà ai cũng muốn nhanh chóng quay đầu chạy thêm chuyến nữa”, ông Sang nói.