![]() |
TTCK đã tác động đến hầu hết công ty niêm yết khi đầu tư chéo vào cổ phiếu của các công ty khác. |
Năm 2009, thêm nhiều DN có thể phải chấp nhận bán lỗ các khoản đã đầu tư. Nhưng để dứt điểm có lẽ cần một chính sách ở cấp cao hơn, khoanh vùng các khoản đầu tư tài chính thua lỗ, tương tự như các khoản nợ xấu.
Câu chuyện của REE
Cách đây gần 3 năm, ngày 30/3/2006, khi REE chuẩn bị khai mạc phiên họp ĐHCĐ thường niên thì kết thúc đợt giao dịch thứ nhất, cổ phiếu REE trên sàn đang lên trần với giá 299.000 đồng/CP (tương ứng với mức giá 142.000 đồng/CP hiện nay sau nhiều lần giá được điều chỉnh kỹ thuật). Trong hai tháng đầu năm 2007, cổ phiếu REE đã tăng gần như dựng đứng và đó là đỉnh cao của REE. Từ đó, hành trình đi xuống đầy trắc trở của cổ phiếu này cùng với sự thoái trào của VN-Index bắt đầu...
Hai năm qua, REE đã có rất nhiều thay đổi. Hai tòa nhà Etown đã mọc lên trên đường Cộng Hòa. Nhiều dự án BĐS khác của REE nằm rải rác ở TP. HCM và vươn ra phía Bắc. Vốn điều lệ của REE từ 388 tỷ đồng vào đầu năm 2007 đã tăng lên hơn 800 tỷ đồng hiện nay. Vóc dáng mô hình "holding" của REE đã manh nha khi Công ty cơ cấu mạnh lại hoạt động: REE có 5 công ty con và 4 công ty liên kết trong lĩnh vực BĐS, điện máy và hạ tầng; đầu năm 2009, Công ty vừa nâng tỷ lệ sở hữu ở Công ty Quản lý quỹ Bảo Tín lên 61,2%...
Bất chấp những thay đổi đó, phiên giao dịch cuối tuần trước REE đóng cửa ở mức 18.800 đồng/CP. Đây là mức giá của cổ phiếu này cách đây 3 năm, vào trung tuần tháng 2/2006.
Khi VN-Index bắt đầu rớt xuống từ đỉnh cao 1.172 điểm vào ngày 12/3/2007, thực tế REE vẫn tăng giá và đạt đỉnh sau đó gần 3 tuần. NĐT rất vẫn kỳ vọng, họ nhìn vào danh mục đầu tư tài chính khổng lồ của REE khi đó để mua - bán. Năm 2006, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính của REE đạt gần 150 tỷ đồng, bằng 50% lợi nhuận trước thuế của cả Tập đoàn. Vào cuối tháng 3/2007, giá trị đầu tư vào chứng khoán ngắn hạn của REE là 503 tỷ đồng, giá trị sổ sách của các khoản đầu tư tài chính dài hạn là 408 tỷ đồng. Kế hoạch phát triển của REE trong phiên họp ĐHCĐ năm 2007 khá tham vọng, lợi nhuận trước thuế tăng mạnh qua từng năm: năm 2008 là 450 tỷ đồng, năm 2009 là 650 tỷ đồng, năm 2010 là 900 tỷ đồng…, dựa trên triển vọng sáng sủa của TTCK.
Nhưng đó chỉ là ánh hào quang khi thị trường bùng nổ. Kể từ khi TTCK thoái trào, REE là cổ phiếu yếu hơn thị trường, tăng sau thị trường và giảm giá trước. NĐT vẫn nhìn vào thị trường chung để mua - bán cổ phiếu REE; hay nói cách khác, họ lấy thị trường để đo triển vọng lợi nhuận của REE qua các khoản đầu tư, chứ không phải các mảng truyền thống hay BĐS.
Năm 2007, thị trường có nhiều biến động nhưng REE vẫn đạt 392 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong đó mảng đầu tư tài chính đóng góp 190 tỷ đồng, gần 50%. Kết thúc năm 2008 đầy khó khăn, trừ lĩnh vực đầu tư, còn các lĩnh vực hoạt động khác như kinh doanh sản phẩm điện máy; mảng bất động sản, văn phòng cho thuê; mảng M&E... REE đều có lãi. Tuy nhiên, Công ty vẫn lỗ 139,34 tỷ đồng do con số trích lập dự phòng đầu tư tài chính hơn 467 tỷ đồng - lớn hơn số lãi mà 2 năm trước thị trường mang lại.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT REE nói rằng, kể từ khi cổ phiếu này bị đưa vào kiểm soát, đã có khá nhiều bạn hàng, NĐT, lãnh đạo DN khác gọi điện tới. Họ là những người không có thời gian đọc BCTC của REE để biết về nguyên nhân thua lỗ. Và họ coi đây là sự lạ: REE có tiếng là minh bạch, nhiều năm qua đã gây dựng được tên tuổi và có ban điều hành thuộc hàng năng động. Bà Thanh đã thẳng thắn nói với ĐTCK rằng, mong muốn Công ty phát triển nhanh nhưng Lãnh đạo REE đã quên đi phân tích những rủi ro và thiếu quyết đoán trong nhiều thời điểm cần thiết để có thể hạn chế sai lầm.
Phi hệ thống đã biến thành hệ thống
REE chỉ là trường hợp điển hình. Có khá nhiều công ty khác cũng rơi vào hoàn cảnh như REE, thậm chí khó khăn hơn. Năm 2008, CTCP Cáp và Vật liệu Viễn thông (SAM) lỗ hơn 67 tỷ đồng do khoản trích lập dự phòng lên tới 245 tỷ đồng; CTCP Nhựạ Tân Đại Hưng (TPC) lỗ 51 tỷ đồng; CTCP Đường Biên Hòa (BHS) lỗ 43,3 tỷ đồng với chi phí tài chính (có khoản trích lập dự phòng) lên tới gần 76 tỷ đồng… Danh sách các công ty phải trích lập dự phòng đầu tư chứng khoán rất dài. Rủi ro phi hệ thống từ một công ty, một ngành và TTCK đã tác động đến hầu hết công ty niêm yết khi đầu tư chéo vào cổ phiếu của các công ty khác.
Chuyên gia chứng khoán Huy Nam - người đã có tiếng nói cảnh báo từ cách đây hơn 2 năm, đánh giá, giờ đây mọi việc đã trở nên phức tạp hơn nhiều. Để giải quyết vấn đề, có thể không phải trong ngày một, ngày hai. Năm 2009, thêm nhiều DN có thể phải chấp nhận bán lỗ các khoản đã đầu tư. Nhưng để dứt điểm có lẽ cần một chính sách ở cấp cao hơn, khoanh vùng các khoản đầu tư tài chính thua lỗ, tương tự như các khoản nợ xấu.