JBIC đã đưa ra những cơ sở để Việt Nam được xếp vào các quốc gia có tiềm năng kinh doanh trung hạn là: chi phí nhân công thấp, nguồn lao động dồi dào, tiềm năng tăng trưởng của thị trường cao, điều kiện chính trị, xã hội ổn định. Và một điều kiện hết sức thuận lợi khác trong thời buổi sản xuất, kinh doanh quy mô khu vực, toàn cầu được JBIC quan tâm là Việt Nam đang trở thành “căn cứ địa” đầy tiềm năng để xuất khẩu sang nước thứ ba. Nếu đặt cơ sở sản xuất ở Việt Nam thì việc xuất khẩu hàng hóa sang các tỉnh phía Nam Trung Quốc và các nước khu vực Đông Nam Á hết sức thuận lợi.
Tuy nhiên JBIC cũng chỉ ra các điểm yếu mà Việt Nam cần nhanh chóng khắc phục để tiếp tục vươn lên trong bảng xếp hạng các nước trong khu vực có tiềm năng kinh doanh trung hạn. Đó là trước hết nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng vật chất đặc biệt là đường sá và cảng biển để rút ngắn thời gian xuất khẩu hàng hóa. Hoàn thiện hệ thống pháp lý và làm cho hệ thống này vận hành một cách rõ ràng, minh bạch, thông suốt từ trung ương đến cơ sở. Bên cạnh đó Việt Nam cần bổ sung nguồn cán bộ quản lý có năng lực, đội ngũ lao động kỹ thuật có tay nghề cao. Và cuối cùng Việt Nam cần chú trọng hơn việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng đội ngũ các nhà cung cấp hàng phụ trợ chất lượng cao, giá thành rẻ ngay trong nước.
Thực tế cho thấy vì quá lệ thuộc nguồn nguyên liệu, phụ liệu của thế giới mà nền kinh tế Việt Nam phát triển chưa vững chắc và thiếu sức cạnh tranh. Chẳng hạn như kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam vượt cả dầu thô nhưng giá trị gia tăng thấp vì có đến 85% nguyên liệu, phụ liệu phải nhập từ nước ngoài.