.jpg) |
Tổng giám đốc HSBC tại Việt Nam Thomas Tobin tại cuộc họp báo.
|
Triển vọng kinh tế
Trước thềm hội nghị, ngày 7.1, Ban tổ chức The Economist đã có cuộc họp báo với sự tham dự của đại diện các tập đoàn lớn đang có mặt tại VN như Ngân hàng HSBC, Tập đoàn Indochina Capitol và Nokia Siemens Network.
Các diễn giả đều chung nhận định về triển vọng khả quan của nền kinh tế VN, với nhiều nhân tố tích cực như: Lực lượng lao động trẻ và đang phát triển, chi phí nhân công thấp hơn các nước láng giềng và trình độ công nghệ ngày càng tăng. Thêm vào đó, VN luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. "Trong năm 2008, chúng tôi dự kiến VN sẽ có tốc độ tăng trưởng là 8,8% và có thể cao hơn trong năm sau. Điều này cho thấy các chính sách phát triển kinh tế của VN đang được thực hiện tốt", ông Justin Wood - chuyên gia về Đông Nam Á của The Economist - nhận xét.
Theo ông Peter Ryder - Giám đốc điều hành Quỹ Indochina Capital - riêng lượng FDI năm 2007 của VN đã bằng 25% tổng lượng FDI trong 15 năm qua. "Khác với các nền kinh tế hướng vào xuất khẩu khác, VN có sự phát triển cân bằng hơn đối với thị trường trong nước. Trong khi các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản vào những thời kỳ mới phát triển có tỉ lệ xuất khẩu chiếm tới 60-80% GDP" - ông Ryder cho hay. Cũng theo ông Ryder, một đánh giá mới đây cho thấy VN là nơi an toàn thứ hai trên thế giới và đứng đầu Đông Nam Á. "Đây là yếu tố vô cùng quan trọng đối với các nhà đầu tư" - ông nhận xét.
Bài toán hạ tầng
Câu hỏi mà ông Wood đưa ra tại cuộc họp báo là liệu VN có thể tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài hay không? Theo ông, để làm được điều này, VN phải đối mặt với nhiều thách thức, trước hết là nạn tham nhũng. Nếu không giải quyết hiệu quả, nó có thể dẫn đến những bất ổn xã hội. Bên cạnh đó, tỉ lệ lạm phát cao hơn nhiều so với khu vực Châu Á và trên thế giới cũng là quan ngại lớn.
Ngoài ra, nền kinh tế VN còn có hạn chế lớn về cơ sở hạ tầng, môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu hụt nhân lực chuyên môn. "Phát triển cơ sở hạ tầng là điều bắt buộc nếu muốn thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh hơn nữa. Đó là bài học mà VN có thể rút ra từ những "con hổ Châu Á" đi trước" - TGĐ Ngân hàng HSBC Thomas Tobin tại VN nhận xét.
Ông Tobin nhấn mạnh đến thách thức về thiếu hụt nguồn nhân công chất lượng cao tại VN. "Các ngân hàng rất khó tìm được những nhân viên chuyên nghiệp có kinh nghiệm. Vấn đề này sẽ còn nghiêm trọng hơn trong tương lai" - ông nói. Dù năm 2007, VN thu hút được nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lên tới 20,3 tỉ USD, nhưng điều quan trọng không chỉ là thu hút vốn, mà phải là hấp thụ và sử dụng nó một cách hiệu quả nhất.
Kinh tế VN có lặp lại "hiện tượng" Trung Quốc"?
Câu trả lời của các diễn giả là "Không"! Theo ông Wood, dù có nhiều điểm tương đồng, nhưng nền kinh tế VN sẽ không thể đạt được sự phát triển ấn tượng hai con số trong suốt thời gian dài như Trung Quốc. Vì vậy, mức tăng trưởng của VN sẽ chỉ dừng ở con số khả quan trên 8%. VN cũng có có quy mô thị trường nhỏ hơn và hoàn toàn khác với Trung Quốc.
Tuy nhiên, VN đã thực hiện một chiến lược cải cách có tính toán, ổn định và vững chắc hơn nhờ bài học từ kinh nghiệm cải cách của Trung Quốc - ông Wood cho hay. "Nhiệm vụ quan trọng của VN hiện nay là làm sao để cân bằng được giữa tỉ lệ dân số đông trên 80 triệu người với mức GDP còn quá thấp" - ông nói.
Riêng ông Ryder lạc quan: VN dù không là Trung Quốc thứ hai, nhưng có thể là một Hàn Quốc hoặc Nhật Bản khác với sự phát triển bền vững hơn. "Câu chuyện VN vẫn được tôi nhắc lại từ 15 năm nay, bất cứ khi nào có dịp, rằng khoảng 100 năm trước, VN đã từng là một cường quốc kinh tế ở khu vực Đông Nam AÁ và tôi tin VN sẽ sớm quay trở lại vị trí này" - ông khẳng định.
65% số đại biểu là lãnh đạo hàng đầu của các tập đoàn đa quốc gia
Theo ông Charles Goddard - Trưởng ban biên tập khu vực Châu AÁ-Thái Bình Dương của Economist Intelligent Unit, đồng chủ toạ hội nghị - có tới 65% số đại biểu tham gia là các nhà lãnh đạo hàng đầu của các công ty đa quốc gia, chịu trách nhiệm quản lý tại VN hoặc trong khu vực. Đây là cơ hội để các doanh nhân cấp cao tham gia thảo luận với các nhà hoạch định chính sách chủ chốt của VN về triển vọng đầu tư và đẩy mạnh phát triển kinh tế. Trong năm 2008, Economist Conferences dự kiến tổ chức 40 hội nghị trên toàn thế giới, và khởi đầu bằng Hội nghị "VN - ngôi sao đang lên tại Châu Á".