Vô trách nhiệm thế này, nền kinh tế sẽ đi đến đâu?

 
 
Sau 3 ngày xét xử và sau khi thẩm vấn các “quan” tham trong vụ đại án Dương Chí Dũng và đồng phạm, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên toà đã phải thốt lên: “Nếu như doanh nghiệp nhà nước nào cũng vô trách nhiệm như thế này thì nền kinh tế đất nước sẽ còn thiệt hại đến mức độ nào”? Việc 2 bị cáo đầu vụ tại Vinalines bị đề nghị hình phạt cao nhất không làm dịu dư luận, mà ngược lại dư luận lại đặt câu hỏi: Doanh nghiệp nhà nước như thế này, nền kinh tế đất nước đi đến đâu? 

Khi các “ông chủ” tiêu tiền không phải của mình

 
Không chỉ là Vinalines, 2 vụ đại án khác mới xét xử là vụ Vinashin và vụ Cty cho thuê tài chính II (ALC II), nhân dân  đều nhận thấy các hành vi thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái, tham ô tài sản của những người đứng đầu các đơn vị này đều gây thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng của Nhà nước.

Những thất thoát đó cùng với hoạt động kém hiệu quả của nhiều DNNN đã dẫn tới khu vực kinh tế này đang ôm món nợ lên đến 1,35 triệu tỉ đồng. Nói cho cùng, các hành vi cố ý làm trái hay thiếu trách nhiệm đều chỉ là những hành vi phục vụ cho mục đích cuối cùng là tham ô tài sản.

Vì sao không ít DNNN lại rơi vào tình trạng nguy kịch: Do quản lý kinh tế vĩ mô? Mô hình kinh tế? Trình độ quản lý?... Nhiều nhà quản lý đã đưa ra những cách lý giải khác nhau. Nhưng tất cả các cách lý giải, các giải pháp hạn chế tình trạng DNNN hoạt động kém hiệu quả và thất thoát tài sản đều chưa có tác dụng.

Bằng chứng là chỉ số hiệu quả (ICOR) ngày một tăng, cao gấp từ 1,8- 2 lần các nước tiên tiến; các vụ tham nhũng từ vài chục triệu lên đến vài tỉ đồng và bây giờ thì con số đó là hàng chục, hàng trăm tỉ đồng.

Vô trách nhiệm thế này, nền kinh tế sẽ đi đến đâu? (1)
Với ụ nổi No83M, nhà nước mất gần 500 tỉ đồng, “quan” Vinalines “ăn bẫm” 1,66 triệu USD. 

Có hai mối quan hệ, chúng ta cần phải xem xét như là nguyên nhân của tình trạng tham nhũng và thất thoát. Đó là, quan hệ giữa tiền tệ với quyền lực và quan hệ giữa cơ quan quản lý và DNNN.

Về mối quan hệ giữa tiền tệ và quyền lực thì DNNN và DN phi nhà nước có  hai chu trình ngược nhau. Các DN phi nhà nước được hình thành trên cơ sở một hoặc một số cá thể có các tiềm lực nhất định (vốn, trình độ quản lý, trình độ tổ chức, khả năng tiếp cận thị trường ...). Khi đó, họ mang quyền của người sở hữu, người điều phối, người quản lý lao động. Mỗi lần đưa ra một quyết định là một lần cân não.

Chủ DN phi nhà nước tiêu đồng tiền của chính mình và lúc nào họ cũng có ý chí cháy bỏng và hành vi quyết liệt để làm tăng vốn sở hữu. Các ông chủ này, nếu có các hành vi vi phạm pháp luật thì nằm ở chỗ, dùng các thủ đoạn chiếm hữu tài sản của Nhà nước, chiếm hữu tài sản của chủ thể khác. Trong việc chi tiêu, họ tiêu đồng tiền của chính mình!
 
Ngươc lại, các DNNN, con đường đi là làm thế nào để nhận được một quyết định đề bạt, bổ nhiệm ở vai trò người quản lý vốn, hoặc người điều hành DNNN. Bản thân DNNN hoặc là đã có vốn hoặc là nay được rót vốn, hoặc ít nhất là cũng có một nguồn vốn cơ chế (Nhà nước giao dự án, giao đất đai, giao cho các nguồn lực khác, giao cho các thẩm quyền kinh tế đặc biệt...). Quy trình này ngược ở chỗ: Sau khi có tiền thì họ mới có quyền chi phối DN. Họ tiêu đồng tiền không phải của mình. Động cơ và ý chí tăng sở hữu của DNNN không đồng nhất với tăng sở hữu của chính mình.
 
Quản lý DNNN - thói quản lý hình thức và những lỗ hổng chết người

Hãy cùng xem xét hệ thống quản lý của cơ quan nhà nước đối với DNNN nói chung và  xem xét hệ thống này, quản lý này đối với Vinalines, Vinashin, ALC II... sẽ thấy rõ các quy trình bổ nhiệm cán bộ, quản lý vốn, kiểm soát của một nền hành chính quản lý theo ngành và lãnh thổ, quy trình thẩm định, thanh, kiểm tra đều đủ cả ban bệ, có sự phân công, phân nhiệm cán bộ theo dõi, có đủ quy trình dự toán, kiểm toán, báo cáo thường niên, họp và quyết định tập thể...

Vậy thì tại sao khi mất những khoản tài sản lớn và vô cùng lớn, khi DN không còn có khả năng lừa dối, không còn có khả năng chiếm hữu thì tự nó mới bộc lộ, chứ không có cơ quan nào phát hiện ra những lỗ hổng ấy? Thử đặt câu hỏi, chúng ta đang quản lý mang tính quy trình hình thức chứ không phải là một nền quản lý mang tính nội dung quản lý? Quản lý hình thức, tức là cơ quan quản lý nhận được đầy đủ báo cáo theo thời hạn (có thể đọc và không đọc), chứ chưa xác định được báo cáo ấy có đúng hay không đúng với thực tiễn.

Quản lý hình thức là cơ quan quản lý tham gia các buổi họp, buổi làm việc với đơn vị quản lý và kết thúc bằng mọi sự vui vẻ chứ không có những câu hỏi, những vấn đề mà đơn vị quản lý phải giải trình, phải bị kiểm tra. Quản lý hình thức có nghĩa là đơn vị bị quản lý được thanh tra, kiểm tra nhưng hàng chục cuộc thanh tra kiểm tra không phát hiện ra những sai phạm để uốn nắn. Tất cả việc bổ nhiệm, nhận báo cáo, nghe giải trình, thành lập đoàn thanh tra... đều thực hiện đúng quy trình. Cơ quan quản lý đã thực hiện đúng quy trình đều vô can.

Khi các DN đổ bể, những người được cơ quan quản lý nhà nước giao nhiệm vụ phụ trách trực tiếp DN đều vô can, bởi họ thực hiện đúng quy trình! Cán bộ của các cơ quan quản lý nhà nước quá “yếu kém”? Đã tham gia nhóm tư bản thân hữu? Vô trách nhiệm? Tất cả những nghi vấn này chưa ai làm rõ và nền quản lý kinh tế của nước ta chưa có những vụ xử lý để tạo ra bài học về quản lý!

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây