Xoay quanh giá dầu

Ảnh: Đức Thanh

Trong khi ngân sách phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu dầu thô, thì giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục lao dốc đúng thời gian Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2008; dự toán ngân sách nhà nước năm 2009.

Diễn biến này đã khiến các đại biểu Quốc hội đồng lòng chia sẻ với khó khăn của Chính phủ nói chung, ngành tài chính nói riêng trong việc cân đối “ngân khố quốc gia” của năm sau. Mở đầu phần báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, giá dầu thô trên thế giới đã biến động rất lớn và rất nhanh. Mọi dự báo giá dầu thô trong 3 tháng cuối năm 2008 và năm 2009 rất khác nhau.

“Từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng JP Morgan (Mỹ) , Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) cho đến Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đều đưa ra những dự báo về giá dầu rất khác nhau. Vì thế, chưa có năm nào việc xây dựng ngân sách cho năm sau lại khó khăn như năm nay.

Vẫn theo ông Ninh, để chủ động trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, Bộ Tài chính dự kiến báo cáo với Chính phủ để trình Quốc hội “hạ giá” dầu thô năm 2009 từ mức 90 USD/thùng xuống còn 70 USD/thùng, theo đó cân đối thu ngân sách năm 2009 sẽ giảm khoảng 36.000 tỷ đồng. Và để “chia lại miếng bánh ngân sách”, theo ông Ninh, trường hợp giá dầu thô giảm thấp hơn nữa thì tiếp tục điều chỉnh giá giảm chi tương ứng, ngược lại, nếu giá dầu tăng cao hơn mức 70 USD/thùng, thì Chính phủ sẽ triển khai các chính sách đã dự kiến và đảm bảo các khoản chi đầu tư thường xuyên đã được cơ cấu lại.

Việc ngân sách năm 2009 sẽ giảm thu 36.000 tỷ đồng nếu giá bán dầu thô bình quân đạt được 70 USD/thùng, đã khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng. Đại biểu Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) cho rằng, trong tính toán thu chi, để bớt phụ thuộc vào giá dầu thô, thì nên thông qua phương án dự phòng ngân sách, đồng thời với việc chống thất thu và giảm chi một cách tối đa, để giảm bớt “khoảng trống” do giá dầu để lại.

“Năm 2009, ngân sách dự kiến bố trí trên 10.641 tỷ đồng để bổ sung cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trong điều kiện hiện nay, cần phải cân nhắc lại khoản chi này. Theo tôi, ngoài 9.000 tỷ đồng chi tái đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), số còn lại cần xem xét hết sức chặt chẽ theo hướng để các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chủ động huy động vốn trên thị trường, còn nguồn này để đầu tư cho các lĩnh vực khác”, ông Sỹ đề xuất.

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Hoàng Thị Hạnh (Bắc Giang) còn đề nghị Chính phủ phải thực sự quyết liệt trong chi tiêu công. “Năm 2008, Chính phủ chủ trương thắt chặt chi tiêu công, nhưng việc thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên chưa triệt để. Cụ thể, mặc dù đã cắt giảm 20% chi tiêu công, song trên thực tế, chi tiêu công vẫn tăng 10%, chi quản lý hành chính tăng 13,3% so với dự toán và tăng 26,6% so với năm 2007 do tình trạng tổ chức hội nghị, lễ kỷ niệm, đón nhận huân huy chương vẫn còn nhiều và tổ chức vẫn còn lãng phí, chưa thiết thực”, bà Hạnh băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nói: “Năm 2008, chúng ta vượt thu từ dầu thô 35.000 tỷ đồng, nhưng phải bù lỗ cho xăng dầu 32.000 tỷ đồng, tái đầu tư cho PVN 9.000 tỷ đồng. Như vậy, phần vượt thu đó loanh quanh vẫn chỉ có PVN và các công ty kinh doanh xăng dầu được hưởng”.

Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), giá dầu thô tiếp tục tụt giảm, tình hình sản xuất kinh doanh của DN tiếp tục khó khăn, sẽ khiến việc cân đối ngân sách năm 2009 gặp nhiều khó khăn. Do đó, để đảm bảo vấn đề an ninh tài chính, khắc phục nguy cơ phá vỡ cân đối ngân sách trong trường hợp giá dầu thế giới suy giảm, tình hình thế giới biến động bất thường, Chính phủ nên đưa ra 2 hoặc 3 phương án thu khác nhau để chủ động ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

“Để cân đối thu - chi, ngoài tiết kiệm chi tiêu một cách chặt chẽ, chống thất thu cần huy động nguồn vốn trong dân một cách tích cực hơn trong việc thực hiện xã hội hóa các hoạt động kinh tế - xã hội”, bà Tuyết kiến nghị. Xung quanh số tiền 10.641 tỷ đồng dự kiến để chi cho các DNNN, bà Tuyết đề nghị, ngoài 9.000 tỷ đồng đầu tư trở lại cho PVN, thì kiên quyết không cấp thêm cho bất cứ DN nào, bởi chỉ có như vậy mới giảm được chi ngân sách đồng thời bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

“Đúng 15 ngày kể từ khi Chính phủ trình Quốc hội phương án ngân sách năm 2009 nay đã phải xây dựng phương án mới, do diễn biến phức tạp của kinh tế và giá dầu thế giới. Năm 2009 tình hình kinh tế và giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nếu chúng ta liên tục phải thay đổi phương án cân đối ngân sách thì rất bị động”, đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế ) đề nghị trong phương án mới, nên đưa ra một giá dầu “phải chăng” để chủ động đối phó, nếu giá dầu tăng thì ngân sách có thêm nguồn thực hiện các mục tiêu khác.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây