ANV: Giá cổ phiếu tăng 3 lần sau 4 tháng
Cổ phiếu “vang bóng một thời” trên thị trường tự do trước kia là ANV của Công ty cổ phần Nam Việt - hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực thủy sản, đã có chu kỳ giảm giá suốt 2 năm qua, xuống dưới 4.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 1 năm nay.
Cổ phiếu ANV giảm giá mạnh do khoản lỗ lũy kế từ các công ty liên kết đã “ăn” vào lợi nhuận kinh doanh chính, khiến ANV chỉ còn 19,5 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2016, dù lợi nhuận từ mảng cá tra đạt 146 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị NAV cho biết, khoản đầu tư ngoài ngành thủy sản như Công ty Cromit, đặc biệt là Công ty cổ phần DAP2 - Vinachem, Công ty cổ phần Rau quả Nông trại xanh thua lỗ, kéo theo ANV có nhiều năm liền đạt mức lãi rất thấp.
Tuy nhiên, bước sang năm 2017, ANV đã thoái vốn khỏi DAP và giải thể Công ty Rau quả Nông trại xanh. Vì thế, năm nay, ANV tự tin sẽ đạt được lợi nhuận 122 tỷ đồng dựa vào hoạt động kinh doanh chủ chốt.
Ngoài ra, ANV có kế hoạch chia cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 10:9 từ nguồn vốn chủ sở hữu, qua đó tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng lên hơn 120 tỷ đồng. Sau khi chia cổ phiếu thưởng, Công ty dự kiến chia thêm 9% cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2017.
Từ đầu tháng 2 đến nay, cổ phiếu ANV có xu hướng tăng giá, hiện đạt 11.400 đồng/cổ phiếu (ngày 5/6). Được biết, tại thời điểm tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông ngày 20/5/2017, cơ cấu sở hữu tại ANV rất tập trung, có 22 cổ đông sở hữu 90% vốn cổ phần của Công ty.
TDC: Lợi nhuận thường hạch toán vào quý IV
Trong bối cảnh nhóm cổ phiếu bất động sản “thăng hoa” từ đầu năm đến nay, nhưng cổ phiếu TDC của Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương chỉ tăng từ 7.000 đồng/cổ phiếu lên 8.200 đồng/cổ phiếu.
TDC chuẩn bị chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt, tỷ lệ 10,5%, nhưng mức cổ tức này dường như chưa được phản ánh vào giá cổ phiếu khi gần 1 tháng qua, giá cổ phiếu TDC dao động trong khoảng 8.000 - 8.200 đồng/cổ phiếu.
Được biết, với đặc thù kinh doanh bất động sản, ghi nhận doanh thu và lợi nhuận theo tiến độ bàn giao dự án nên TDC thường hạch toán lỗ quý đầu năm và phải đến quý cuối năm mới ghi nhận lợi nhuận để hạch toán lãi cả năm.
Theo đó, nhà đầu tư nắm bắt được thông tin về kết quả kinh doanh cũng như thời điểm hạch toán lợi nhuận của TDC sẽ có cơ hội mua được cổ phiếu ở thời điểm hợp lý, với khả năng thu được mức sinh lời lớn.
Những tháng đầu năm, giá cổ phiếu TDC ở mức thấp, nhưng thanh khoản không cao, một phần lý do là hơn 60% vốn cổ phần của TDC do chính quyền tỉnh Bình Dương nắm giữ.
NDN: Tiền mặt lớn, dự án tiềm năng
Cổ phiếu NDN của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Đà Nẵng có thanh khoản đột biến trong thời gian gần đây và giá tăng từ 7.800 đồng/cổ phiếu lên 9.400 đồng/cổ phiếu. Công ty có kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt hàng năm từ 8% trở lên.
Năm nay, kế hoạch lợi nhuận của NDN ở mức tối thiểu 36 tỷ đồng, không quá hấp dẫn so với số lượng gần 40 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Tuy nhiên, Công ty đang sở hữu lượng tiền mặt hơn 220 tỷ đồng và khoản đầu tư chứng khoán hơn 100 tỷ đồng. Theo một số nguồn tin, các dự án tiềm năng của NDN có khả năng mang lại lợi nhuận 70 tỷ đồng/năm và kỳ vọng Công ty sẽ chia cổ tức 15% từ năm 2018.
KSH: Thị giá thấp nhưng bán riêng lẻ được giá cao
Cổ phiếu KSH của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển KSH gần đây liên tục có diễn biến tăng giá mạnh, từ khoảng 2.000 đồng/cổ phiếu lên trên 3.000 đồng/cổ phiếu.
“Câu chuyện” của KSH là mặc dù giá cổ phiếu chỉ 2.000 đồng/cổ phiếu nhưng Công ty đã phát hành thành công 28 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư cá nhân với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Số vốn huy động được KSH đầu tư vào các công ty khác, trong đó có cả công ty trong lĩnh vực bất động sản, thực hiện chiến lược chuyển đổi từ công ty khoáng sản thành công ty đầu tư đã đặt ra từ cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm ngoái.
Khi đầu tư vào các cổ phiếu thị giá thấp, nhà đầu tư có thể kỳ vọng đạt lợi suất đầu tư ở mức cao, nhưng cũng có nguy cơ bị “chôn vốn”, bởi thực tế cho thấy, không ít cổ phiếu duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, chẳng hạn ITA, DIC, NVT, UDC.
Trong vài năm qua, đã có những lúc các doanh nghiệp này lạc quan về triển vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, mang lại kỳ vọng giá cổ phiếu tăng tính bằng lần cho nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu lâu dài. Song thực tế, giá cổ phiếu có diễn biến “lình xình”, hoặc giảm dần do kế hoạch kinh doanh không khả thi như tính toán.
Nguồn: BMSC