Với 6 doanh nghiệp cùng đưa cổ phiếu lên giao dịch ngày 16/3 vừa qua, tổng số doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM đã được nâng lên 501 doanh nghiệp, tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt trên 176.000 tỷ đồng, vốn hóa thị trường đạt gần 423.000 tỷ đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), hiện có 100 hồ sơ của các doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM đang chờ được xét duyệt. Như vậy, lượng hàng hóa lớn tại UPCoM sẽ tiếp tục được cung cấp ra thị trường, mang lại những lựa chọn mới và đa dạng cho nhà đầu tư.
Giải ngân vào cổ phiếu trên UPCoM được khuyến nghị không dành cho những “tay mơ”.
Ông Nguyễn Đức Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ MB (MBCapital) cho rằng, UPCoM đã và sẽ là mục tiêu của các quỹ đầu tư bởi thị trường niêm yết đã được các quỹ “cày ải quá lâu”, cổ phiếu được định giá tương đối cao, tiềm năng tăng giá không nhiều.
Ông Hải chia sẻ, tại UPCoM, MBCapital đang đầu tư vào một loạt doanh nghiệp và Công ty từng thu lãi lớn nhờ bán cổ phần của một doanh nghiệp ngành dệt may trên sàn này sau khi mua được từ đợt chào bán cổ phần ra công chúng trước đó.
Liên quan đến câu chuyện kiếm lời khi thoái vốn, thời gian gần đây, nhiều thương vụ thoái vốn đã được thực hiện thành công qua UPCoM, mang lại lợi nhuận cho các tổ chức cũng như tăng lượng cổ phiếu tự do lưu hành cho thị trường.
Chẳng hạn, Geleximco Miền Nam thoái vốn tại Seaprodex; Sông Đà 5 thoái vốn tại SCH; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thoái vốn tại Công ty cổ phần Xuân Hòa. Đặc biệt, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam là một trong những tổ chức thu lãi lớn nhất (lên tới hàng trăm tỷ đồng) khi thoái vốn trên UPCoM, ghi nhận từ thương vụ bán gần 25 triệu cổ phần Vietnam Airlines (HVN).
Đón đầu cơ hội trên UPCoM, cuối năm 2016, Tập đoàn VinaCapital công bố sẽ thành lập Quỹ Vietnam Special Access Fund (VSAF) - một quỹ nội địa dành cho nhà đầu tư nước ngoài, với giá trị đầu tư khởi điểm từ 5 triệu USD. Theo đó, Quỹ sẽ tập trung xem xét đầu tư vào các công ty có vốn hóa dưới 50 triệu USD và các doanh nghiệp trên UPCoM.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư, VinaCapital nhận xét, xét trên tổng thể thì thị trường UPCoM không hề rẻ, mức P/E tương đối cao. Tuy nhiên, nếu đầu tư theo phương pháp “bottom-up”, tức là chọn lọc, phân tích và định giá từng cổ phiếu, thì trên UPCoM có nhiều công ty đầu ngành, có tiềm năng tăng trưởng tốt.
Theo ông Andy Ho, tại UPCoM, VinaCapital có thể chọn được những cổ phiếu có quy mô vốn hóa vừa và nhỏ, chất lượng tốt, với mức định giá thấp hơn nhiều so với các công ty lớn hơn có chất lượng tương đương.
Lãnh đạo một doanh nghiệp trên UPCoM chia sẻ, UPCoM có nhiều cổ phiếu tốt, nhưng một số sự cố xảy ra trong thời gian qua, chẳng hạn trường hợp cổ phiếu “ma” MTM, đã dẫn tới sự nghi ngại của không ít nhà đầu tư.
Biết những nghi ngại đó cùng với việc thanh khoản không được hỗ trợ bởi margin, nhưng doanh nghiệp vẫn quyết định lên UPCoM để minh bạch hoạt động, quảng bá thương hiệu, nâng cao uy tín. Khi đáp ứng đủ điều kiện niêm yết, doanh nghiệp có thể tính đến việc chuyển sàn, nhằm tăng khả năng huy động vốn cổ phần qua thị trường chứng khoán.
Thực tế, đầu tư trên UPCoM có một số điểm hạn chế như không được giao dịch ký quỹ (margin) và mức độ rủi ro cao hơn khi quy định về công bố thông tin đối với các doanh nghiệp khá “lỏng” nên nhà đầu tư khó nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều thành viên thị trường đánh giá, cơ hội đầu tư trên UPCoM là không thể phủ nhận.
Mặc dù vậy, đầu tư trên UPCoM được ví như “đãi cát tìm vàng” bởi số lượng doanh nghiệp khổng lồ, trong đó không ít doanh nghiệp có mức độ minh bạch chưa cao, tỷ lệ cổ phiếu tự do lưu hành thấp, tính thanh khoản hạn chế...
Đáng chú ý, trên thị trường có muôn hình vạn trạng các thông tin đa chiều, để thành công, đòi hỏi nhà đầu tư phải tỉnh táo, kiên trì, có khả năng phân tích và tinh lọc thông tin. Giải ngân vào cổ phiếu trên UPCoM được khuyến nghị không dành cho những “tay mơ”.
Nguồn: BMSC