Lợi nhuận tăng nhờ “nồi cơm chính” cho vay khách hàng, huy động vốn tăng chậm
Theo báo cáo 9 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lợi nhuận sau thuế toàn ngành ngân hàng đạt khoảng 47 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng và hoạt động dịch vụ. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng mạnh (15,8%). Đồng thời, tỷ lệ thu nhập lãi thuần cận biên tăng lên mức 2,8%, trong khi cùng kỳ năm 2016 là 2,7%.
Lợi nhuận trước trích lập DPRR tăng khoảng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016. Tỷ lệ chi phí DPRR tín dụng/tổng lợi nhuận trước trích lập dự phòng khoảng 49%, giảm từ 53% cùng kỳ năm 2016.
Hoạt động cho vay khách hàng tăng trưởng tích cực với tín dụng 9 tháng đầu năm ước tăng 11,5% so với cuối năm 2016. Nếu tính cả trái phiếu doanh nghiệp thì tăng trưởng tín dụng đạt 12,9% cao hơn mức 12,5% cùng kỳ năm 2016.
Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn tiếp tục xu hướng giảm với tỷ trọng đạt 54%, thấp hơn mức cùng kỳ 2016 (55,6%). Tăng trưởng tín dụng trung và dài hạn ước đạt 10,7%, trong khi cùng kỳ năm 2016 là 14,9%.
Theo loại tiền, dù tín dụng VND vẫn chiếm tỷ trọng lớn (91,6%) nhưng tăng trưởng tín dụng ngoại tệ 9 tháng đầu năm 2017 đạt 12,9% cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2016 là 5,4%. Tín dụng VND ước tăng 13% so với cuối năm 2016, trong khi cùng kỳ 2016 tăng 14,4%.
Xu hướng cho vay tập trung vào hoạt động sản xuất, giảm tỷ trọng cho vay bất động sản. Cụ thể, cho vay đối với hoạt động làm thuê, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình ước tính đến cuối T9/2017 chiếm tỷ trọng 15,7% tổng cho vay, từ mức 11,2% cuối năm 2016. Tỷ trọng cho vay ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 22,4% lên 23,4%; tỷ trọng cho vay ngành nông lâm thủy sản giảm từ 8,3% xuống 7,6%, bán buôn bán lẻ giảm từ 18,6% xuống 17,7%.
Trong khi đó, tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm nhẹ từ 17,1% (T12/2016) xuống 16,8% (T9/2017), trong đó cho vay ngành xây dưng chiếm 10,3%, cho vay kinh doanh bất động sản chiếm 6,5%.
Huy động vốn 9 tháng đầu năm 2017 ước tăng 11,2% so với cuối năm 2016 thấp hơn mức 14,1% cùng kỳ năm trước và ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của hình thức huy động vốn thông qua phát hành giấy tờ có giá. Tiền gửi khách hàng ước tăng khoảng 10,9% so với cuối năm 2016, phát hành GTCG ước tăng 18,6%. Huy động ngoại tệ tăng 4,3%, chiếm khoảng 10,2% tổng huy động. Huy động vốn bằng VND ước tính tăng 12,5%, chiếm 89,8%.
Tăng trưởng huy động vốn (11,2%) thấp hơn cho vay (11,5%). Dù vậy, thanh khoản vẫn được UBGSTCQG đánh giá là khá tốt. Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống đạt khoảng 87,2%. Các yếu tố hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất vẫn còn trong quý IV.
Có sẵn gần 4,84 tỷ USD dự phòng rủi ro tín dụng
Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo khoảng 2,9%, tương đương thời điểm hồi cuối tháng 6/2017 và cao hơn so với thời điểm năm 2016 (khoảng 2,6%). Theo UBGSTC, tỷ lệ nợ xấu cao tập trung chủ yếu tại một số TCTD yếu kém, năng lực tài chính và khả năng quản trị điều hành yếu, trong diện tái cơ cấu.
Dù tỷ lệ nợ xấu tăng nhưng thực tế trong 9 tháng đầu năm 2017, nợ xấu thực tế đã giảm so với cuối năm 2016. Nguyên nhân bởi các khoản mục TPDN phát hành với mục đích tái cơ cấu nợ và TPDN phân loại từ nhóm 3-5 giảm và các khoản đầu tư, đặt cọc, ký quỹ, các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi đều giảm mạnh.
Về xử lý nợ xấu, trong 7 tháng đầu năm 2017, hệ thống TCTD ước tính xử lý khoảng 45 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu thu hồi từ khách hàng chiếm khoảng 33,6%; sử dụng DPRR để xử lý nợ xấu ước khoảng 26,3%; bán nợ cho VAMC khoảng 31,7%; bán TSBĐ khoảng 1,5%; còn lại là xử lý bằng các biện pháp khác.
Hệ thống TCTD tăng trích lập dự phòng rủi ro, tạo nguồn xử lý nợ xấu. Ước tính đến cuối T9/2017, số dư dự phòng rủi ro (DPRR) tín dụng khoảng 110 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 22% so với cuối năm 2016.
Nguồn tin: ndh.vn