Quy mô tài trợ chuỗi cung ứng nông sản còn rất nhỏ

Tại diễn đàn “Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam”, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho biết tổng dư nợ tín dụng tam nông (nông nghiệp, nông thôn và nông dân) năm 2016 chiếm khoảng 18% tổng dư nợ, đến cuối năm 2023 là 3,3 triệu tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng dư nợ cho nền kinh tế.
 
THỰC THI CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG CHƯA TỐT
Con số trên chứng tỏ hệ thống ngân hàng không hề giảm cho vay trong lĩnh vực tam nông. Chưa kể chương trình quốc gia như Chương trình trọng điểm quốc gia, Chương trình nông thôn mới… hàng năm vài chục nghìn tỷ đồng. Riêng cho vay nông lâm thủy sản, cuối tháng 6 năm 2024 đạt 986.000 tỷ đồng (tương ứng gần 7% tổng dư nợ nền kinh tế).
 
Song đánh giá một cách thẳng thắn, ông Lực cho rằng quy mô hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam còn rất nhỏ, trong khi kim ngạch xuất khẩu nhập tăng khá, khoảng 10%/năm giai đoạn 2013-2023.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt xấp xỉ 800 tỷ USD, trong khi các ngân hàng thương mại chỉ tài trợ thương mại cho 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; trong đó, tài trợ chuỗi cung ứng chỉ chiếm 2%.
 
“Nếu so với thế giới, con số này rất èo uột. Các đơn vị cung cấp chủ yếu vẫn là các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính chưa tham gia nhiều”, ông Lực nhận định.
 
Sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng chính là bao thanh toán, tài trợ nhà cung cấp, tài trợ nhà phân phối… Quy mô bao thanh toán của Việt Nam rất khiêm tốn, năm 2023 đạt 1,14 tỷ USD.
 
Trong khi đó, theo ông Lực, chúng ta đã có một số cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Như Nghị quyết số 26 – NQ/TW - Nghị quyết tam nông lần đầu tiên năm 2008, tiếp đó là Quyết định số 68/2013 về chính sách hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, Nghị định 210/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn… 
“Chính sách cho vay đã có từ lâu, tuy nhiên cần đẩy mạnh hơn nữa. Nhiều chính sách đã có nhưng thực thi chưa tốt, do quy trình thủ tục vô cùng phức tạp”, ông Lực nhấn mạnh.
 
Hay Nghị định 67/2014 về chính sách phát triển thuỷ sản, ông Lực đánh giá là thất bại, dù đã được ban hành 10 năm qua.
 
Theo vị chuyên gia này, hiện có nhiều khó khăn, thách thức với sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng chính. Đó là các ngân hàng thương mại thường yêu cầu phải có tài sản đảm bảo, trong khi các sản phẩm tài trợ thương mại gồm tài trợ cho các khoản phải thu, tài trợ hóa đơn, tài trợ lô hàng… còn ít được áp dụng do tính chất rủi ro.
 
Hơn nữa, các công ty tài chính chưa tham gia nhiều vào thị trường, khiến nguồn cung bị phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại. Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế về năng lực quản trị, tài chính và công nghệ…
Bên cạnh đó, chưa có nhiều nền tảng kết nối các nhà cung ứng, nhà phân phối, nhà cung cấp tài chính và các dịch vụ hỗ trợ khác.
 
Chính sách bảo hiểm nông nghiệp thí điểm năm 2013 - 2018 đến 2020 là chấm dứt và không có tổng kết, đánh giá. Đến bây giờ, Việt Nam là một trong số ít nước không có chính sách bảo hiểm nông nghiệp.
 
HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ
Theo ông Lực, để khắc phục hạn chế trên, cần sự nỗ lực từ nhiều phía: từ chính sách của Chính phủ, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp.
 
Về phía Chính phủ, ông Lực cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới như cho vay ngang hàng, cơ chế chia sẻ dữ liệu, cơ chế sanbox cho Fintech…
 
Đồng thời, cần tổng kết đánh giá và có phương án tiếp theo đối với bảo hiểm nông nghiệp. Tiếp tục phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường phái sinh nông sản. Hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu dự báo về thị trường, về sản phẩm và rủi ro, giá cả nông sản nhằm giúp nông dân và doanh nghiệp có định hướng sản xuất, tiêu thụ ổn định.
 
Mặt khác, cần có chiến lược tiếp thị và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, tập trung xây dựng thương hiệu, tận dụng FTA thế hệ mới, quyết tâm tháo gỡ thẻ vàng EU.
 
UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản trên đất để thế chấp, đặc biệt là tài sản như nhà kính, nhà lưới, ao nuôi…
 
Đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng, cần thiết kế sản phẩm phù hợp, linh hoạt hơn về tài sản thế chấp. Các ngân hàng thương mại lớn, có lợi thế về nguồn lực và nền khách hàng có thể xây dựng nền tảng kết nối các thành viên trong chuỗi cung ứng. Chủ động tìm kiếm, làm việc với những tổ chức quốc tế để có nguồn vốn dành cho tài trợ chuỗi cung ứng.
 
Với các doanh nghiệp nông nghiệp, ông Lực khuyến nghị cần chủ động tìm hiểu về các giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng và các lợi ích, tăng cường minh bạch hóa thông tin để có thể tiếp cận các sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng nói riêng và dịch vụ tài chính nói chung.
 
Chủ động nghiên cứu để chuyển hướng sang nông nghiệp xanh, phát triển bền vững để có thể tiếp cận nguồn vốn trong và ngoài nước cho lĩnh vực này.
 
Vũ Khuê
 

Nguồn tin: vneconomy.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây