Bất chấp mọi khó khăn trong năm 2022, Nga đã cố gắng tăng sản lượng dầu thô mặc dù phải chịu các lệnh trừng phạt cứng rắn, rất nhiều công ty dịch vụ dầu mỏ đã rời khỏi nước này cũng như việc các nước phương Tây từ chối mua phần lớn dầu thô của Nga.
Thật vậy, Energy Intelligence báo cáo rằng trong năm 2022, sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của Nga tăng 2%, với sản lượng dầu đạt 10,73 triệu thùng/ngày, cao hơn dự báo 10,33 triệu thùng/ngày của Bộ phát triển kinh tế Nga.
Nga đã xoay sở để đạt được kỳ tích này chủ yếu bằng cách giảm giá mạnh cho những "khách hàng tiềm năng" như Trung Quốc và Ấn Độ. Julian Lee - chiến lược gia dầu mỏ của Bloomberg cho biết 2 nước này đang được giảm giá 33,28 USD/thùng, tương đương khoảng 40% so với giá dầu thô Brent quốc tế vào thời điểm đó.
Thế nhưng, Nga không thể tiếp tục những "nỗ lực" này một cách vô thời hạn. Mới đây, các nhà phân tích của BP đã dự đoán sản lượng của nước này có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn trong thời gian dài, với sản lượng dầu thô giảm 25%-45% vào năm 2035. BP cho biết sản lượng dầu thô của Nga có thể giảm từ từ 12 triệu thùng/thùng ngày năm 2019 xuống còn 7-9 triệu thùng/ngày năm 2035 do việc hạn chế các dự án mới đầy triển vọng, sự tiếp cận hạn chế với công nghệ nước ngoài...
Ngược lại, BP cho rằng OPEC sẽ thống trị với với tỷ trọng của nhóm này trong sản xuất toàn cầu tăng lên 45%-65% vào năm 2050 từ mức chỉ hơn 30% ở thời điểm hiện tại.
Tin xấu cho những người đầu cơ giá lên, BP vẫn bi quan về triển vọng dài hạn của dầu, cho biết nhu cầu dầu có thể sẽ ổn định trong 10 năm tới và sau đó giảm xuống 70-80 triệu thùng/ngày vào năm 2050.
Tương lai ảm đạm cho dầu Nga
Điều đó nói rằng, Nga vẫn có thể tránh được sự sụt giảm mạnh trong sản xuất do nhiều tài sản của các công ty dầu mỏ rời khỏi nước này đã bị bỏ lại hoặc bán cho các công ty địa phương, vẫn nắm được chuyên môn quan trọng.
Bloomberg trước đó đưa tin Nga đã tăng mạnh xuất khẩu dầu diesel trước khi lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu bắt đầu có hiệu lực vào tháng 2. Xuất khẩu nhiên liệu từ các cảng của Nga ở Baltic và Biển Đen được dự kiến sẽ tăng lên 2,68 triệu tấn trong tháng 1/2023, tăng 8% so với tháng liền trước đó, và là tỷ lệ xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 1/2020.
Liên minh châu Âu đã cấm nhập khẩu sản phẩm dầu của Nga vào ngày 5/2. Điều này diễn ra sau lệnh cấm dầu thô của Nga có hiệu lực vào tháng 12/2022.
Theo tính toán của Reuters, xuất khẩu loại dầu thô Urals hàng đầu của Nga từ các cảng Biển Baltic dự kiến sẽ giảm xuống khoảng 5 triệu tấn từ 6 triệu tấn trong tháng 11/2022, do lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ của Nga và giá trần của phương Tây. Một số ước tính đã dự đoán nó có thể giảm xuống mức thấp nhất là 4,7 triệu tấn.
Mức trần giá 60 USD/thùng do Liên minh châu Âu, các quốc gia G7 và Australia đưa ra cho phép các nước ngoài EU nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển, nhưng cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm xử lý các lô hàng dầu thô của Nga trừ khi nó được bán với giá dưới 60 USD.
Các thương nhân đã báo cáo với Reuters rằng Nga đang gặp khó khăn trong việc chuyển hướng hoàn toàn xuất khẩu dầu Urals từ châu Âu sang các thị trường khác như Trung Quốc và Ấn Độ. Và Ấn Độ cũng gặp khó khăn trong việc tìm đủ tàu phù hợp.
Các vấn đề của Nga đã trở nên trầm trọng hơn do tình trạng thiếu trọng tải ngoài phương Tây, nhu cầu vừa phải đối với loại này ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc. Thật vậy, Reuters đã báo cáo rằng công ty độc quyền đường ống Transneft của Nga đã không thể lấp đầy một số vị trí tải có sẵn do thiếu hồ sơ dự thầu từ các nhà khai thác, trong khi các vị trí khác bị hoãn hoặc hủy bỏ. Chỉ có Trung Quốc, Ấn Độ, Bulgary và Thổ Nhĩ Kỳ hiện sẵn sàng mua dầu Urals đang được bán cho các thị trường xuất khẩu với giá thấp hơn chi phí sản xuất chung bao gồm thuế trong nước.
Thâm hụt ngân sách
Hồi tháng 12/2022, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết thâm hụt ngân sách của nước này vào năm 2023 có thể vượt mức dự kiến 2% GDP do trần giá dầu ảnh hưởng đến thu nhập xuất khẩu. Điều đó đánh dấu lần đầu tiên một quan chức Nga thừa nhận rằng mức trần giá 60 USD/thùng mà châu Âu và các quốc gia G7 áp đặt lên Nga sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này.
Ông Siluanov cho biết Nga sẽ buộc phải khai thác thị trường nợ để bù đắp thâm hụt. Nga dự kiến sẽ sử dụng hơn 2.000 tỷ rúp (29 tỷ USD) từ Quỹ tài sản quốc gia (NWF) vào năm 2022 khi tổng chi tiêu vượt quá 30.000 tỷ rúp so với ngân sách ban đầu.
Nền kinh tế Nga được dự báo sẽ thu hẹp trong năm nay, khi thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina cho rằng "các điều kiện thương mại ngày càng tồi tệ" là lý do chính. Dòng tiền của Nga dự kiến sẽ suy yếu đáng kể trong năm 2023 khi doanh số bán dầu khí sang châu Âu sụt giảm. Trong khi, Bộ Kinh tế Ukraine cho biết lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ và các sản phẩm dầu của Nga sẽ làm giảm ít nhất 50% lợi nhuận của Nga.
"Chúng tôi dự báo sự sụt giảm trong lợi nhuận từ xuất khẩu dầu khí ở mức hơn 50%, chính xác là do lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ, các sản phẩm dầu và việc đưa ra giới hạn giá. Dầu khí chiếm 60% và 40% nguồn thu ngân sách liên bang. Chúng tôi cho rằng doanh thu của Nga sẽ giảm xuống dưới mức quan trọng 40 tỷ USD mỗi quý", Yuliya Svyrydenko, Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế Ukraine cho biết.
Theo Reuters đưa tin, đồng rúp của Nga cuối cùng đã giảm xuống mức 70 rúp đổi 1 USD Mỹ, mức thấp nhất trong hơn 7 tháng do giá dầu thô lao dốc cũng như lo ngại rằng các lệnh trừng phạt đối với dầu của Nga có thể ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu của nước này. Chứng khoán Nga cũng bị ảnh hưởng, với chỉ số RTS tính bằng đô la kết thúc trong sắc đỏ vào năm ngoái.
Tham khảo: Oilprice
Minh Ngọc
Nhịp sống thị trường