Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/9, chỉ số VN-Index tăng 6,03 điểm (tương đương tăng 0,59%) lên 1.015,91 điểm.
Diễn biến này đã không nằm ngoài nhận định của ATPvietnam.com sau khi nhận thấy TTCK có rất nhiều cơ sở và dấu hiệu cho một đợt hồi phục mạnh mẽ.
Mặc dù chỉ số VN-Index không duy trì được mức tăng mạnh như trong 2 phiên giao dịch trước đó nhưng số lượng cổ phiếu tăng giá vẫn áp đảo thị trường, trong đó có rất nhiều cổ phiếu blue-chips như STB của Ngân hàng Sacombank hay VIC của đại gia bất động sản Vincom.
Trong số 115 cổ phiếu có mặt trên sàn chứng khoán TP.HCM, có 60 mã cổ phiếu tăng giá, 34 mã giảm giá và 21 đứng giá. Trong 2 chứng chỉ quỹ, BF1 tăng 100 đồng (tương đương tăng 0,85%) lên 11.900 đồng/ccq, còn VF1 giảm 200 đồng (tương đương giảm 0,59%) xuống 33.600 đồng/ccq.
Tổng khối lượng giao dịch (cả cổ phiếu và chứng chỉ quỹ) trong toàn phiên đạt 14,7 triệu đơn vị, trị giá 1.279 tỷ đồng (riêng cổ phiếu đạt 13,6 triệu đơn vị). Nếu tính cả phiên giao dịch hôm qua (25/9), từ đầu năm 2007 tới nay chỉ có tổng cộng 4 phiên có giá trị giao dịch hơn 1.200 tỷ đồng và cũng chỉ có phiên giao dịch ngày 25/9 mới có khối lượng giao dịch trên 12 triệu cổ phiếu.
Kết thúc phiên giao dịch, lượng dư bán cổ phiếu đứng ở mức khá cao, nhiều hơn lượng dư mua cổ phiếu. Điều này cho thấy có khá nhiều nhà đầu tư chọn giải phương án bán ra khi mà giá của rất nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh so với trước đó 1 tuần.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều nhà đầu tư lớn và các nhà đầu tư nước ngoài - một thế lực dẫn dắt TTCK Việt Nam trong vài năm qua, vẫn đang đẩy mạnh mua vào các cổ phiếu blue-chips Việt Nam, mà biểu hiện rõ nét nhất là khối lượng giao dịch tăng vọt.
Điều này có thể là do các nhà đầu tư lớn vẫn đang kỳ vọng vào sự phát triển chung của TTCK trong thời gian tới, mà cụ thể là tới cuối năm, khi mà có hàng loạt cổ phiếu lớn sẽ lên sàn hoặc đấu giá cổ phần. Sức hấp dẫn của TTCK khi đó sẽ tăng lên rất nhiều.
Theo ATPvietnam.com, TTCK Việt Nam hiện vẫn đang có quy mô khá khiêm tốn và như vậy chưa thể thu hút vốn đầu tư của các tổ chức đầu tư lớn nước ngoài. Một khi quy mô TTCK được nâng lên, cùng với đó là các hàng hoá tốt như cổ phiếu của Vietcombank, MobiFone, VinaFone… được đưa vào giao dịch thì khi đó các tổ chức ngoại với vốn cực lớn mới thực sự bước vào cuộc chơi.
Theo dõi diễn biến giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài trong vài phiên gần đây có thể thấy, lượng mua vào của họ luôn gấp nhiều lần so với bán ra. Đặc biệt, trong 3 phiên gần đây (từ 21-25/9), lượng mua vào của họ cực lớn, tập trung vào các cổ phiếu blue-chips. Hiện tượng này cũng có thể được lý giải là các DN lớn niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM đang hoạt động rất tốt, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam không ngừng đi lên ổn định.
Theo ATPvietnam.com, chỉ còn một vài điểm đáng lưu ý có thể ảnh hưởng tiêu cực tới giá cổ phiếu là việc giá vàng và dầu liên tục tăng cao. Và nếu giá 2 mặt hàng này tiếp tục phá các kỷ lục cao mới thì về dài hạn, một lượng tiền lớn sẽ đổ vào vàng, trong khi giá dầu tăng các DN trong nước sẽ đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao. Một yếu tố nữa là lạm phát ở Việt Nam đang ở mức cao.
Trở lại diễn biến trong phiên giao dịch ngày 26/9, tiếp tục giống như đợt giao dịch thứ 1 và đợt 2, cổ phiếu mới lên sàn hôm 19/9 - đại gia bất động sản Vincom (mã giao dịch VIC), tiếp tục có phiên tăng điểm lên mức giá trần thứ 6 liên tiếp, với mức tăng 7.000 đồng lên 157.000 đồng/cp, cao hơn rất nhiều so với mức giá dự kiến 119.000 đồng trước khi lên sàn.
Khối lượng giao dịch của VIC trong trong cả 3 đợt giao dịch là 781.900 cổ phần.
Trái ngược với đợt giao dịch 1 với mức tăng mạnh 10.000 đồng, kết thúc đợt giao dịch thứ 3, cổ phiếu FPT đứng giá đồng do có khá nhiều nhà đầu tư bắt đầu bán ra để kiếm lời nhanh khi mà cổ phiếu này đã tăng tổng cộng 30.000 đồng trong 4 phiên giao dịch gần đây.
Ngoài VIC, các cổ phiếu blue-chips tăng mạnh sáng nay bao gồm: PET tăng 3.500 đồng; CII tăng 2.500 đồng; KDC tăng 8.000 đồng; STB tăng 1.500 đồng…
Sau khi tăng rất mạnh trong 2 phiên vừa qua, một số nhà đầu tư bắt đầu bán ra để thu lời nhanh. Biểu hiện rõ nét nhất là lượng bán đang tăng mạnh, số lượng cổ phiếu tăng giá cũng giảm xuống…
Kết thúc phiên giao dịch, tổng dư mua thấp hơn dư bán.
Cụ thể, tổng khối lượng dư mua ở 3 mức giá cao nhất của tất cả cổ phiếu và chứng chỉ quỹ là 2,2 triệu đơn vị. Trong khi đó, dư bán ở 3 mức giá thấp nhất đạt 3,87 triệu đơn vị.