Niềm tin người tiêu dùng Mỹ, Đức kéo chứng khoán thế giới đi xuống

Mở đầu phiên giao dịch, tình hình giá cổ phiếu ở châu Á diễn biến phức tạp. Chỉ số chính của thị trường chứng khoán Tokyo tăng, trong khi chứng khoán Hồng Kông mất giá.

Trong khi đó, phần lớn các loại cổ phiếu thị trường chứng khoán châu Âu đều sụt giảm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,8%; chỉ số FTSE100 của Anh giảm 1,1%; chỉ số DAX của Đức giảm 0,2%; chỉ số Stoxx50 giảm 1%; chỉ số Euro Stoxx 50 giảm 0,7%.

Trong phiên giao dịch buổi chiều tại New York, chỉ số Standard & Poor’s 500 giảm 2,99 điểm xuống còn 1.514,74 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Dow Jones gần như không thay đổi, chỉ số Nasdad tăng 6,27 điểm lên mức 2.674,67 điểm.

Sau quyết định cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hôm 18/9, thị trường chứng khoán thế giới đã trải qua những phiên hồi phục. Tuy nhiên, sự hồi phục này đã dừng lại vào ngày 24/9 sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra cảnh báo về sự bất ổn định kinh tế “lan rộng” trên phạm vi toàn cầu. Tiếp đó, những thông tin mới công bố về tiêu dùng ở Mỹ và Đức lại đẩy chứng khoán thế giới đi xuống.

Số liệu do tổ chức nghiên cứu thị trường Conference Board cho biết, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Mỹ trong tháng 9 đã giảm xuống mức 99,8 điểm, giảm mạnh so với mức 105,6 điểm trong tháng 8 và thấp hơn hiều so với mức 104,5 điểm so với kỳ vọng trước đó của các nhà phân tích. Đây là mức chỉ số niềm tin người tiêu dùng thấp nhất kể từ tháng 11/2005 khi chỉ số này rơi xuống 98,3 điểm, thời điểm mà các cơn bão lớn Katrina và Rita tấn công vào vịnh Mexico.

Theo giới phân tích, nguyên nhân khiến chỉ số này giảm mạnh là những lo lắng về tình trạng việc làm tại Mỹ nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nước này nói chung.

“Tình hình kinh doanh ảm đảm cùng với thị trường việc làm kém hấp dẫn tiếp tục là những đám mây đen lơ lửng trong đầu người tiêu dùng và làm tăng thêm những lo ngại của họ về tình hình bấp bênh trong tương lai,” Lynn Franco, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiêu dùng của Conference Board cho biết. Bà cho biết thêm: “Trong thời gian trước mắt, tình hình kinh tế có lẽ chưa được cải thiện nhiều. Với mùa nghỉ lễ đang đến trước mắt, đây rõ ràng không phải là một thông tin được mong đợi.”

Chỉ số niềm tin sụt giảm rõ ràng không phải là một dấu hiệu tốt lành cho các nhà bán lẻ Mỹ. Hiện các hãng bán lẻ ở nước này đang phải đối mặt với nguy cơ tình hình mua sắm ảm đạm với mức chi tiêu hạn chế của người tiêu dùng do giá nhà đất đi xuống trong khi giá xăng và thực phẩm thì lại không ngừng tăng.

Cũng trong ngày 25/9, số liệu thống kê cho thấy, số lượng nhà đã qua sử dụng được bán ra tại Mỹ trong tháng 8 đã giảm 4,3% trong tháng 7, mức giảm mạnh nhất từ tháng 3 vừa qua, đẩy doanh số nhà đã qua sử dụng được bán xuống mức thấp nhất 5 năm qua.

Cùng với chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Mỹ, chỉ số niềm tin người tiêu dùngcủa Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng giảm mạnh. Theo Viện Ifo, cơ quan nghiên cứu xác định chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Đức, chỉ số này đã giảm từ mức 108,5 điểm trong tháng trước xuống còn 104,2 điểm trong tháng 9, thấp hơn mức 105 điểm được dự báo trước đó.

Đây đã là tháng thứ 4 liên tiếp, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Đức trên đà đi xuống, với mức giảm nhiều hơn dự báo trong bối cảnh những lo ngại về sự bất ổn tài chính toàn cầu.

Thêm vào đó, ngày 25/9, đồng Euro tiếp tục đà tăng giá, đạt mức kỷ lục mới là 1 USD đổi được 1,4310 USD, so với mức 1 Euro đổi được 1,409 USD ngày 24/9.

Mặc dù Viện Ifo không coi việc đồng Euro tăng giá mạnh là vấn đề lớn đối với nền kinh tế Đức, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, đồng Euro mạnh chính là một nhân tố ảnh hưởng đến niềm tin người tiêu dùng Đức khi mà nền kinh tế nước này đang có những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây