Tiếp tục xu hướng có từ hôm qua, đa số cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục giảm giá. Nhiều cổ phiếu blue-chips cũng không thể tiến bước. Tuy nhiên, vào đợt giao dịch cuối cùng, phiên giao dịch sáng 13/9, một vài cổ phiếu đứng đầu thị trường tăng giá đã giúp VN-Index lại thoát khỏi cảnh mất điểm.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 13/9, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,12 điểm (tương đương tăng 0,01%) lên 921,31 điểm. (Ảnh: LAD) |
Kết thúc phiên giao dịch sáng 13/9, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,12 điểm (tương đương tăng 0,01%) lên 921,31 điểm. Trong đợt 1 và 2, chỉ số này giảm giảm nhẹ.
Trong số 114 cổ phiếu có mặt trên sàn chứng khoán TP.HCM, chỉ có 26 mã cổ phiếu tăng giá, 70 mã giảm giá và 18 đứng giá. Trong 2 chứng chỉ quỹ, BF1 tăng 100 đồng/ccq lên 11.000 đồng, còn VF1 tăng 100 đồng lên 29.600 đồng/ccq.
Tổng khối lượng giao dịch (cả cổ phiếu và chứng chỉ quỹ) trong toàn phiên đạt 5,16 triệu đơn vị, trị giá 395 tỷ đồng (riêng cổ phiếu đạt 4,87 triệu đơn vị), giảm khá nhiều so với ngày 12/9. Các con số tương ứng của ngày 12/9 là 6,45 triệu đơn vị, 480 tỷ đồng và 5,76 triệu đơn vị.
Đầu tiên phải kể đến là sự tăng điểm của đại gia PPC (Nhiệt điện Phả Lại). Đây là cổ phiếu có vốn điều lệ đứng thứ 2 trên sàn chứng khoán TP.HCM, chỉ sau STB (của Ngân hàng Sacombank). Mức vốn hoá của PPC cũng khá cao, đứng thứ 4 trên sàn chứng khoán này.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 13/9, cổ phiếu PPC tăng 2.500 đồng lên mức giá trần 62.000 đồng/cp đã giúp rất nhiều cho việc chỉ số VN-Index khỏi chịu cảnh mất điểm.
Bên cạnh đó, sự phục hồi về giá của cổ phiếu VNM (Vinamilk) - vốn điều lệ đứng thứ 2 thị trường, và vốn hoá đứng thứ nhất, cũng đã tiếp sức đáng kể cho chỉ số VN-Index. Cổ phiếu VNM đã chuyển từ đứng giá trong đợt 1 sang tăng giá trong đợt 2 và đợt 3. Cụ thể, VNM đã tăng 1.000 đồng lên 162.000 đồng/cp.
Trong khi đó, rất nhiều gương mặt lớn đứng giá đã giúp thị trường không đi xuống: BMP (Nhựa Bình Minh), CII (Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM), FPT (Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT), GMD (Gemadept), NKD (Kinh Đô miền Bắc), REE, SAM (Cáp và Vật liệu viễn thông), STB, VSH (Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh).
Còn lại hầu hết các cổ phiếu nhỏ giảm giá.
Kết thúc phiên giao dịch, lượng dư mua thấp hơn dư bán một chút.
Cụ thể, tổng khối lượng dư mua ở 3 mức giá cao nhất của tất cả cổ phiếu và chứng chỉ quỹ khi kết thúc phiên giao dịch là 2,09 triệu đơn vị. Trong khi đó, dư bán ở 3 mức giá thấp nhất đạt 2,18 triệu đơn vị.
Theo nhận định của một đơn vị cung cấp thông tin chứng khoán, chứng khoán Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng từ TTCK thế giới và việc giá vàng, dầu liên tục tăng.
Mặc dầu chứng khoán Mỹ trong phiên hôm qua đã hồi phục nhẹ, nhưng chứng khoán các khu vực khác vẫn giảm, đặc biệt là Nhật sau khi Thủ tướng nước này xin từ chức. Giá vàng tiếp tục tăng, trong nước đã vượt qua 13,9 triệu đồng/lượng và dự báo còn tăng, có thể vượt mức 14 triệu đồng. Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư có thể sẽ chuyển sang đầu tư vào vàng sau khá nhiều dự báo giá mặt hàng này có thể còn tiếp tục tăng.
Trong khi đó, giá dầu thế giới đã tiến sát tới ngưỡng 80 USD/thùng, gây khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tình hình không sáng sủa là vậy, tuy nhiên, một số tổ chức đầu tư tài chính nước ngoài vẫn đang đặt kỳ vọng vào TTCK Việt Nam. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Hàn Quốc (KIS) - một trong 4 công ty chứng khoán lớn nhất tại Hàn Quốc, TTCK Việt Nam sẽ phát triển mạnh cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Các DN niêm yết Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận rất nhanh. Trước đó, hồi cuối tháng 8, HBSC cũng đã có dự báo rất khả quan về chứng khoán Việt Nam.