Một số lãnh đạo ngân hàng này đã bị khởi tố, bắt giam hoặc phải kiểm điểm trách nhiệm... Những phi vụ cho vay "không tưởng" của Agribank đã gây ra nợ xấu lớn, có nguy cơ mất vốn.
Dù Agribank cho biết "chỉ có" khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng Ngân hàng mới bán được 2.534 tỷ đồng nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Song nhiều khoản nợ "có vấn đề" khác hiện vẫn chưa rõ Agribank sẽ xử lý như thế nào?
Cho Vinalines vay mua ụ nổi
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương đầu tư Dự án xưởng sửa chữa tàu biển Đông Đô của Vinalines tại Hải Phòng. Chính phủ giao Bộ GTVT bổ sung vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy, trình duyệt theo quy định. Dù chưa được thực hiện, nhưng ngày 24/3/2009, Hội đồng quản trị (HĐQT) Vinalines đã ra Nghị quyết số 416 phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án này với tổng mức đầu tư gần 299,3 tỷ đồng, và giao Công ty CP Hàng hải Đông Đô quản lý, triển khai thực hiện. Năm 2010, Dự án chuyển giao sang Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines - Đông Đô.
Đến khi Thanh tra Chính phủ (TTCP) tiến hành thanh tra, thì Vinalines đã triển khai thực hiện Dự án và đưa vào khai thác với tổng chi lên tới 155,72 tỷ đồng. Trong đó, chi phí mua ụ nổi No31 trị giá 80,75 tỷ đồng, chi 3,45 tỷ đồng mua đất, các chi phí (nạo vét, san lấp, điện, lãi vay ngân hàng) là 62,3 tỷ đồng và phát sinh 9,2 tỷ đồng chi phí khác…
Để có tiền triển khai dự án, Vinalines huy động, vay mượn từ nhiều nguồn. Trong đó, Agribank đã cho Vinalines vay hơn 16,88 tỷ đồng và 3,24 triệu USD (tương đương khoảng 82,5 tỷ đồng). Khai thác trong 3 năm (2009 - 2011), ụ nổi No31 chỉ đem về hơn 39,7 tỷ đồng doanh thu. Sau khi trừ đi chi phí thuê thầu phụ thì số tiền còn lại khoảng 12,6 tỷ đồng, không đủ trả lãi vay ngân hàng.
Theo TTCP, Vinalines đã có sai phạm trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xưởng sửa chữa tàu biển, phê duyệt mua ụ nổi No31 khi dự án tổng thể chưa được phê duyệt, thẩm định theo quy định. Những sai phạm này cũng tương tự như trường hợp Vinalines đầu tư mua ụ nổi 83M trị giá 9 triệu USD vừa xét xử.
Câu hỏi đặt ra là: vì sao một dự án chưa đủ điều kiện đầu tư, mua sắm mà Agribank đã cho vay, giải ngân hàng chục tỷ đồng cho Vinalines?
Phi vụ cấp tín dụng 3.099 tỷ đồng cho Công ty Lifepro Việt Nam đầu tư nhà máy Luxfashion tại tỉnh Ninh Bình là một trong những khoản cho vay nhiều
"khuất tất" của Agribank. Theo đó, toàn bộ quá trình thẩm định, nhận thế chấp tài sản, giải ngân vốn đều thực hiện rất chóng vánh tại 2 chi nhánh Agribank Ninh Bình và Nam Hà Nội.
ALC 2 được Agribank ưu ái "bơm" vốn rất lớn nhưng lại buông lỏng giám sát
Kỳ lạ là năm 2011, Dự án "bỗng dưng" được nâng tổng mức đầu tư từ 47,1 triệu USD lên tới 305 triệu USD, gấp 6,5 lần. Đến tháng 4/2012, Agribank đã phê duyệt cho Công ty Lifepro Việt Nam vay 150 triệu USD để đầu tư Dự án (gồm 41,35 triệu USD nhận nợ từ chủ đầu tư cũ), và nhanh chóng ký 2 hợp đồng tín dụng với tài sản đảm bảo gồm toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu, quyền sử dụng đất… hình thành từ vốn vay.
Ngoài ra là quyền sử dụng… 6 thương hiệu thời trang nước ngoài được định giá tới… 70 triệu USD!? Nhưng theo những tài liệu hiện có, khoản vay 3.099 tỷ đồng đã được giải ngân trước thời điểm Agribank ký hợp đồng tín dụng, làm dấy lên nghi vấn hồ sơ khoản vay đã được làm lại để hợp thức sai phạm cho vay trước đó? Vì chỉ 4 tháng sau khi ký hợp đồng (tháng 8/2012), toàn bộ lãnh đạo Công ty Lifepro Việt Nam (người nước ngoài)… biến mất, nhà máy ngừng hoạt động và "đắp chiếu" cho đến nay.
Dấu hiệu hợp thức hóa cho vay sai
Đầu năm 2013, cơ quan công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố và bắt giam nguyên Tổng giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân vì sai phạm trong vụ cho vay 3.099 tỷ đồng. Khi ấy, tổng dư nợ vay đã lên tới hơn 3.125 tỷ đồng, chưa rõ khi nào mới xử lý, thu hồi được.
Công ty Cho thuê tài chính 2 (ALC 2) cũng được Agribank ưu ái "bơm" vốn rất lớn nhưng lại buông lỏng giám sát. Do thế, các lãnh đạo của ALC 2 đã "vung tiền" cho doanh nghiệp "ruột" thuê tài chính trong nhiều phi vụ "không tưởng", gây thiệt hại 531 tỷ đồng của Nhà nước. Đơn cử, năm 2008, nguyên Tổng giám đốc ALCII Vũ Quốc Hảo đã duyệt cho các công ty con của bà Trần Thị Phương Liên thuê tài chính hơn 83,8 tỷ đồng để mua tàu biển, dẫn tới nợ xấu. Sau đó, ông Hảo đã "che đậy" bằng cách chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ cho thuê bổ sung tài sản, lập khống hồ sơ sửa chữa tàu để rút tiền trả nợ cũ. Hay qua vụ "thổi giá" tàu lặn cũ nát từ 100 triệu đồng lên 130 tỷ đồng, ông Hảo đã rút tiền của ALC 2 để chiếm đoạt.
Thời gian gần đây, những sai phạm trong cho vay của các ngân hàng bị phanh phui không ít. Nhưng tại Agribank, các vụ sai phạm trong cho vay bị phát hiện lại luôn diễn ra với hình thức rất nghiêm trọng và hậu quả thường vô cùng nặng nề. Câu hỏi đặt ra là hệ quả này là lỗi do cán bộ của Agribank tha hóa, làm liều hay là do những kẽ hở trong cơ chế cho vay, giám sát nội bộ của ngân hàng từ lãnh đạo cấp cao đến các cấp thừa hành?