50 tỷ USD sẽ đi đâu?
Chuyên gia tài chính, TS. Vũ Đình Ánh tỏ ra khá thận trọng khi đề cập đến “hướng đi” của dòng tiền trong năm 2014 – 2015.
TS. Vũ Đình Ánh thẳng thắn cho rằng, ông không muốn bình luận về vấn đề này, bởi đầu tư vào đâu, kênh nào là tùy vào cảm quan của mỗi nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ông Ánh nhận định rằng, nếu nói về rủi ro thì kênh đầu tư nào cũng có rủi ro. “Rủi ro lớn nhất nằm ở chính bản thân của dòng tiền đầu tư đó”, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Khi phóng viên đề cập đến khả năng Chính phủ sẽ tăng cường phát hành trái phiếu để đẩy mạnh đầu tư công, tạo đà tăng trưởng, TS. Vũ Đình Ánh khẳng định: “Chắc chắn là thế chứ không còn là khả năng nữa”.
Trả lời câu hỏi liệu phát hành trái phiếu có phải là cách để tận dụng khoảng 50 tỷ USD nhàn rỗi trong dân không? TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, đây lại là vấn đề khác.
“Bởi đối tượng khách hàng của trái phiếu chủ yếu là các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính chứ không phải là dân chúng”, TS. Ánh nhìn nhận.
Nhận định về “điểm sáng” của xu hướng đầu tư trong một vài năm tới, theo TS. Vũ Đình Ánh, bối cảnh năm 2014, năm 2015 cũng giống như năm 2012, 2013, tức không mấy sáng sủa hơn.
Trong khi đó, theo các nhà đầu tư đại chúng, kênh gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn của phần đông.
Anh Bùi Ngọc Hào, một nhà đầu tư tự do sống tại quận 3 (TP.HCM) chia sẻ: “Hiện tôi đang chôn hàng tỷ đồng vào bất động sản, nhiều năm nay không bán được do giá không tăng. Đầu năm sau, nếu gom tất cả các khoản tiền dành dụm cũng được vài tỷ. Trước mắt tôi sẽ gửi tiết kiệm ở ngân hàng cho an toàn”.
Đây cũng là lựa chọn của chị Bùi Diệu Thu, sống tại quận 7. Chị Thu cho rằng, một hai năm tới cũng ít ai dám đầu tư vào bất động sản, chứng khoán thì lại “hên xui”. “Gửi ngân hàng cho chắc dù lãi ít”, chị Thu chia sẻ.
Giới phân tích cho rằng, nếu cân nhắc giữa lợi nhuận và rủi ro thì kênh gửi tiết kiệm sẽ là lựa chọn của số đông. Rõ ràng, so với gửi tiết kiệm, chứng khoán và bất động sản rủi ro lớn hơn nhiều.
Đầu tư công chiếm ưu thế
Trao đổi trong chuyến công tác TP.HCM mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, ông là một trong những người tham mưu cho Chính phủ đề xuất với Quốc hội nâng bội chi ngân sách năm 2014 từ 4,8% lên 5,3% GDP.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, bối cảnh năm 2014 chỉ có 2 lựa chọn, hoặc là Chính phủ đầu tư, hoặc là Chính phủ tiêu dùng.
Chính phủ tiêu dùng sẽ lãng phí, trong khi Việt Nam cần giữ nhịp độ tăng trưởng tương đối cao để phục hồi nền kinh tế.
“Do đó, trong bối cảnh dân chúng, doanh nghiệp không đẩy mạnh đầu tư thì Chính phủ phải đầu tư để có tỷ lệ đầu tư đảm bảo tăng trưởng kinh tế”, TS. Nghĩa lý giải.
TS. Nghĩa cho biết, các dự án đầu tư công của Chính phủ cũng chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng, mà hạ tầng phát triển sẽ kích thích các ngành khác phát triển theo.
“Đầu tư vào hạ tầng sẽ có lợi về lâu về dài, là yếu tố để thu hút đầu tư, tạo đà cho tăng trưởng trong tương lai”, TS. Nghĩa phân tích.
Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng đầu tư công lấy từ nguồn tiền nào, ông Nghĩa cho rằng có hai nguồn chính là vay từ trong dân qua kênh phát hành trái phiếu và nguồn vốn nhàn rỗi từ hệ thống ngân hàng thương mại.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại có cái nhìn khác. Theo bà Lan, cần đặt ra kịch bản rằng, giữa hai phương án là cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường đầu tư công thì phương án nào có lợi hơn.
TS. Phạm Chi Lan cho rằng, cải thiện môi trường đầu tư sẽ thu hút dòng vốn từ tư nhân, từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, còn đầu tư công chủ yếu sử dụng vốn huy động từ Chính phủ. Điều này sẽ gây ra rủi ro nợ công.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để kích thích đầu tư phải có chất xúc tác từ Chính phủ, trong đó, quan trọng nhất và mang tính bền vững nhất vẫn là chính sách vĩ mô.
“Chính phủ cần thể hiện vai trò điều hành chính sách vừa linh hoạt vừa nhất quán của mình, có như vậy mới tạo niềm tin cho các nhà đầu tư”, một chuyên gia nhận định.