![]() |
Nhà máy lọc dầu ở Nigeria. |
Chỉ trong 5 năm đã tăng năm lần (đầu năm 2003 là 28 USD/thùng; đến ngày 11-7-2008 lên hơn 147 USD/thùng); nhưng sau khi đạt mức cao nhất đó, chỉ trong 5 tháng (đến tháng 10-2008) lại giảm 50%, xuống còn khoảng 60 USD/thùng, bất chấp việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 24-10 vừa qua công bố giảm sản lượng khai thác nhằm kéo giá dầu tăng trở lại. Sự tăng, giảm thất thường của giá dầu thế giới không chỉ ảnh hưởng các nền kinh tế tiêu thụ dầu mỏ, mà với lợi ích của chính những nước khai thác, sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ.
Lợi ích từ giá dầu tăng đối với các nước xuất khẩu dầu là rõ ràng, cả về mặt kinh tế và chính trị. Nguồn thu từ xuất khẩu dầu đã giúp Nga nâng dự trữ ngoại tệ quốc gia lên 560 tỷ USD đến giữa năm 2008. Dầu mỏ cũng giúp Nga tăng uy tín với các nước Tây Âu, gần đây khiến phương Tây không thể thống nhất quan điểm khi áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga sau cuộc xung đột ở Nam Ossetia. Nhiều nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Ðông, châu Phi và Mỹ la-tinh nổi lên, đe dọa chính sách bá quyền của Mỹ. Iran, nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới tuyên bố có thể lập liên minh riêng ở châu Âu, châu Á để chống lại mối đe dọa từ Mỹ và Israel. Tại Venezuela, nguồn thu dồi dào từ dầu mỏ đã giúp Tổng thống H.Chavez tự tin tiếp nhận "ngọn cờ chống chủ nghĩa thực dân Mỹ"; và thông qua Sáng kiến "Lựa chọn Boliva cho châu Mỹ" (ALBA), đã mở ra cơ hội cho khu vực "sân sau" của Mỹ tự giải phóng khỏi chính sách viện trợ nước ngoài và độc quyền quân sự của Washington. Các nước Nam Mỹ bác bỏ đề nghị của Tổng thống G.Bush thiết lập Khu vực thương mại tự do châu Mỹ (FTAA) cũng nhờ Venezuela có khả năng đáp ứng những khoản trợ giúp kinh tế thông qua ALBA. Tại châu Phi, Angola cũng đang vươn lên và lọt vào danh sách các cường quốc của khu vực miền nam "lục địa đen", trở thành tấm gương trong khai thác lợi thế dầu mỏ. Sản xuất dầu của Trung Ðông và trữ lượng thăm dò mỏ dầu ở châu Phi và Mỹ la-tinh không ngừng nâng cao.
Với những lợi ích to lớn như vậy, thì việc giá dầu giảm không chỉ gây thiệt hại, mà còn là "điều không thể chấp nhận" đối với các quốc gia dầu mỏ. Giá dầu giảm đẩy nhiều nước sản xuất dầu vào tình trạng khó khăn kinh tế, nhất là các nước đông dân và phụ thuộc lớn nguồn thu nhập từ dầu mỏ làm chỗ dựa cho các chính sách phát triển và cân bằng ngân sách. Xu hướng này ảnh hưởng nhiều nhất tới Iraq, Iran, Nigeria, Mexico và Venezuela, nơi nguồn thu chủ yếu từ xuất khẩu dầu, chiếm tỷ trọng tới 90% thu ngân sách hoặc xuất khẩu. Năm 2008 nhờ giá dầu cao, chỉ riêng quý I các nước này đã đủ nguồn thu dồi dào cho cả năm. Các chuyên gia dự báo năm 2009, khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ dẫn tới tiêu thụ dầu giảm, kéo giá dầu xuống thấp, khiến nguồn thu của các nước này giảm. Iraq chịu ảnh hưởng nhiều nhất, vì chương trình tái thiết ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này chỉ có thể tiếp tục, nếu giá dầu ở mức 110 USD/thùng. Iraq có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, đang muốn tăng gấp đôi sản lượng 2,5 triệu thùng lên sáu triệu thùng/ngày trong 10 năm tới. Iran có dự trữ dầu lớn thứ hai thế giới, chỉ có thể cân bằng ngân sách nếu giá dầu ở mức 90 USD/thùng. Tại Algeria, để Chính phủ đủ chi phí cho chương trình đầu tư công phát triển hạ tầng cơ sở, đòi hỏi giá dầu phải ở mức 56 USD/thùng. Các nước có dân số ít, như Qatar, Kuwait, Lybia, A-rập Xê-út thì chỉ cần giá dầu từ 25 USD đến 40 USD/thùng là chấp nhận được. Giá dầu giảm gây ảnh hưởng nguồn thu ngân sách của Mexico. Nigeria buộc phải thu hẹp ngân sách 2009 nguồn thu từ dầu giảm...
Khi giá tăng, các nước nhập khẩu dầu đổ lỗi cho sản lượng khai thác dầu sụt giảm và kêu gọi các nước sản xuất dầu chủ yếu tăng đầu tư để đáp ứng nhu cầu dầu của thế giới. Nhưng OPEC lại cho rằng, nhu cầu hiện nay của thế giới đã cân bằng và các yếu tố như đồng USD mất giá, hành vi đầu cơ mới là nguyên nhân chủ yếu đẩy giá dầu lên cao. Theo đánh giá của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA), khi giá dầu tăng 10 USD, thì tăng trưởng kinh tế của thế giới giảm trung bình 0,5%, trong đó Mỹ giảm 0,3%, châu Âu 0,5%, Nhật Bản 0,4% và Trung Quốc 0,8%. Giá dầu giảm trong vài tháng gần đây chỉ là hiện tượng tạm thời; xu hướng tăng giá sẽ tiếp tục trong thời gian tới, do tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay; việc khai thác dầu khó khăn hơn; các lý do về chính trị và công nghệ, hạn chế nguồn cung; nhu cầu về dầu trên thế giới sẽ tăng trở lại sau khi suy thoái kinh tế chấm dứt...
Trữ lượng dầu mỏ đã được xác định qua thăm dò trên toàn thế giới chỉ đủ khai thác trong 40 năm rưỡi (theo tính toán năm 2005). Ngày nay, khoa học công nghệ phát triển không ngừng, nhưng việc tìm kiếm năng lượng thay thế dầu mỏ ít nhất phải mất từ 20 đến 25 năm nữa. Cuộc tranh chấp dầu mỏ vì vậy sẽ quyết liệt hơn và biến động về giá dầu tiếp tục ảnh hưởng kinh tế toàn cầu.