Hành động này cho thấy, DN đang chịu sức ép về việc phải có lợi nhuận, dù TTCK đang sụt giảm.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2008 của CTCP Gemadept (GMD) không được tốt khi lợi nhuận giảm gần 60% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý III, NĐT kỳ vọng hiệu quả kinh doanh của GMD có nhiều chuyển biến khi Công ty đưa một con tàu mới vào khai thác từ cuối quý II; giá xăng dầu giảm mạnh từ đầu tháng 8, giúp chi phí nhiên liệu của GMD giảm nhiều; Cao ốc Gemadept Tower - số 6 Lê Thánh Tôn, được đưa vào khai thác hết công suất trong quý III…
Tuy nhiên, kết quả báo cáo tài chính quý III của GMD đã gây bất ngờ cho không ít cổ đông khi lợi nhuận trước thuế trong quý III âm 160,5 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm âm hơn 117 tỷ đồng.
Theo giải trình của GMD, trong quý III/2008, doanh thu đạt gần 500 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 1.410 tỷ đồng; lợi nhuận gộp đạt gần 95 tỷ đồng, lũy kế đạt xấp xỉ 240 tỷ đồng; Công ty lỗ là do doanh thu hoạt động tài chính chỉ đạt 34,7 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính là hơn 260 tỷ đồng.
Đại diện GMD cho biết, phần lớn số lỗ đến từ việc trích lập dự phòng đầu tư tài chính. Công ty xác định việc trích lập dự phòng được thực hiện một lần cho các khoản đầu tư cả ngắn hạn và dài hạn, nhằm đánh giá hết độ rủi ro cho NĐT.
Mặt khác, Công ty nhận định TTCK chưa thể khởi sắc nên quyết định thanh lý bớt các khoản đầu tư tài chính để thu tiền về. Khoản lỗ trong quý III một phần đến từ việc thanh lý bớt các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (lỗ khoảng 40%).
Một số cổ phiếu ban đầu Công ty xác định đầu tư mang tính chất chiến lược, dài hạn, nhưng hiện tại đã chuyển sang danh mục đầu tư ngắn hạn, khi thị trường tốt lên trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục thanh lý bớt.
Tại CTCP Nhựa Tân Đại Hưng (TPC), một nội dung quan trọng được 100% cổ đông dự ĐHCĐ bất thường thông qua vào trung tuần tháng 9 là cho phép Ban lãnh đạo Công ty thanh lý toàn bộ số cổ phiếu ACB, ALT, EIB (Eximbank) trị giá đầu tư ban đầu gần 128 tỷ đồng để lấy tiền đầu tư các dự án mới.
Ông Phạm Trung Cang, Chủ tịch HĐQT TPC nhận định, trong những tháng cuối năm 2008, thậm chí cả năm 2009, TTCK khó có thể phục hồi như tại thời điểm cuối năm 2007. Duy trì các khoản đầu tư tài chính, Công ty có thể phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán nhiều lần, mang lại rủi ro cao, nếu TTCK liên tục đi xuống.
Nhiều DN niêm yết khác cũng bán ra cổ phiếu trong danh mục đầu tư với khối lượng khá lớn như: Sacombank (STB) bán hơn 2,8 triệu chứng chỉ quỹ VF1 và 165.000 cổ phiếu VTO; CTCP Cơ điện lạnh (REE) bán hơn 3,6 triệu cổ phiếu STB; CTCK SSI bán 1,6 triệu cổ phiếu VSH, hơn 200.000 cổ phiếu VSP, hơn 300.000 cổ phiếu PVD; CTCK Bảo Việt (BVS) bán 500.000 cổ phiếu MCV; CTCK Kim Long bán 500.000 cổ phiếu KMF…
Đánh giá về động thái bán lỗ các khoản đầu tư tài chính của một số DN niêm yết, ông Huy Nam, chuyên gia chứng khoán độc lập nhận định, việc thanh lý bớt các khoản đầu tư tài chính phụ thuộc vào sự toan tính của từng DN và dự đoán triển vọng của TTCK trong tương lai.
Nếu DN có các dự án phát triển bền vững thì việc thanh lý hết hoặc một phần danh mục đầu tư tài chính để lấy tiền thực hiện dự án mới sinh lợi tốt hơn là việc để một lượng vốn nằm im trong điều kiện chi phí lãi vay tăng cao.
Ở một khía cạnh khác, theo ông Nam, DN có thể có đánh giá riêng về xu hướng thị trường, ở thời điểm hiện tại có thể khi DN thanh lý các khoản đầu tư tài chính bị lỗ, nhưng trong tương lai đây có thể là hành động hợp lý, điều này tránh cho DN phải liên tục trích lập dự phòng giảm giá nếu TTCK tiếp tục giảm. "Các DN đang hành động dựa vào những giả định riêng về các kịch bản của TTCK trong tương lai, thế nên tương lai sẽ là câu trả lời", ông Huy Nam nói.
Ông Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Kinh tế TP. HCM cho biết, theo thông lệ ở nước ngoài, để đánh giá một tổ chức đầu tư tài chính, NĐT cần nhìn cả vào danh mục đầu tư, chứ không phải chỉ mức lỗ hay lãi.
Theo ông Chí, các biến động của TTCK có thể mang tính chất nhất thời và đôi khi vô lý, thường thì những tổ chức đầu tư chuyên nghiệp ít khi chạy theo các biến động tạm thời này.
Trong quý III/2008, một số DN niêm yết cố gắng duy trì lợi nhuận bằng cách bán ra số cổ phiếu có lãi, kể cả đó là các cổ phiếu tốt nhất trong danh mục. Hành động này cho thấy, DN đang chịu sức ép về việc phải có lợi nhuận, dù TTCK đang sụt giảm. Điều này cũng thể hiện tính hai mặt của đầu tư tài chính, có thể mang lại lợi nhuận cho DN, nhưng cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới lĩnh vực kinh doanh chính của DN.
Ông Chí nhận định, khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của một số DN niêm yết hiện nay không còn nằm ở sự tự chủ của các DN, mà đang phụ thuộc vào tình hình TTCK những ngày cuối năm.