Bảo toàn vốn chờ thị trường “quay đầu”

Gửi tiết kiệm, phương thức bảo toàn vốn đang được nhiều người lựa chọn - Ảnh: D.Đ.M

Gửi tiết kiệm tại các ngân hàng được xem là kênh bảo toàn vốn an toàn nhất trong tình hình hiện nay. Đặc biệt khi trần lãi suất huy động được dỡ bỏ, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng thương mại đang xoay quanh mức 14 - 15%/năm đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Chị Bùi Thị Hoa - đang gửi tiết kiệm tại Ngân hàng An Bình cho biết chị quyết định mang hết số tiền khoảng 200 triệu đồng để gửi tiết kiệm tại ngân hàng này với kỳ hạn 3 tháng. Nhưng chị Hoa cũng không muốn gửi lâu hơn vì sợ lãi suất sẽ còn tiếp tục thay đổi. Hơn nữa, gửi ngắn hạn để nếu có cơ hội mới trên thị trường bất động sản hay thị trường chứng khoán, chị sẽ quay lại đầu tư. Tương tự, với 70 triệu đồng trong tay, anh Nguyễn Văn Hùng - một nhà đầu tư chứng khoán tại sàn SSI cho biết, nếu như trước đây anh sẽ mua hết cổ phiếu nhưng với tình hình hiện nay thì anh chưa dám mua vào. "Tôi chỉ gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng thôi rồi sẽ tính tiếp. Biết đâu tình hình thị trường khi đó sẽ có nhiều thay đổi", anh Hùng nói.

Với tâm lý lo xa, chị Mai - một nhà đầu tư tại sàn BVSC - đem số tiền thu về được sau khi "xả" hết số lượng cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC (chỉ còn chưa đến 40% số vốn bỏ ra từ cuối năm 2007) để gửi vào ngân hàng với kỳ hạn 6 tháng. Theo chị, ít nhất phải bước sang năm 2009 mới nghĩ đến chuyện tiếp tục đầu tư vào thị trường bất động sản hay chứng khoán. Vì chị vẫn còn kẹt lại số vốn khoảng 2 tỉ đồng sau khi mua một căn hộ chung cư cao cấp tại quận 4, TP.HCM. Chị Mai cho rằng gửi tiết kiệm lúc này để đỡ phải mất thời gian và nhức đầu.

Tâm lý nhiều nhà đầu tư trong khi thị trường chứng khoán và thị trường nhà đất vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc thì cần tạm nghỉ một thời gian. Vì vậy trong lúc này, tạm thời số tiền nhàn rỗi được đem gửi ngân hàng là an toàn. Thạc sĩ Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cũng cho rằng việc gửi tiết kiệm rất thích hợp cho những người có số vốn đầu tư nhỏ hoặc không có khả năng kinh doanh.

Với những nhà đầu tư mạo hiểm hơn, đang "lướt sóng" trên thị trường vàng, thạc sĩ Đinh Thế Hiển nhận định, nếu chọn hình thức mua vàng vật chất rồi đợi giá lên bán ra thì tỷ lệ lãi trên vốn không cao. Nếu kinh doanh vàng trên sàn giao dịch thì chỉ với một số vốn ít (được ngân hàng cho vay gấp 14 lần), nhà đầu tư có thể đạt tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhưng khả năng rủi ro cũng rất cao. Chỉ cần 2 - 3 phiên biến động, có thể nhà đầu tư đã không còn giữ được số vốn của mình. "Những người tin tưởng vào khả năng phân tích của mình và chấp nhận rủi ro thì sàn giao dịch vàng là nơi đầu tư hấp dẫn hơn các thị trường khác trong thời điểm hiện nay. Nếu quyết định tham gia thì nhà đầu tư phải tìm hiểu rõ và chấp nhận các quy định của sàn giao dịch vàng để không ấm ức và suy nghĩ mình bị thiệt thòi khi giao dịch" - thạc sĩ Đinh Thế Hiển nói. Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM cũng cho rằng gửi tiết kiệm hay đầu tư vàng là 2 hình thức mà nhà đầu tư hiện nay có thể lựa chọn, tùy thuộc vào khả năng chịu đựng rủi ro của mình.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây