![]() |
Nỗ lực giảm rủi ro
TP thường được coi là "hầm trú bom" trong điều kiện TTCK đi xuống, đặc biệt là TP chính phủ. Tuy nhiên, TP cũng có rủi ro. Thứ nhất là rủi ro lãi suất. Giá TP thường biến động ngược chiều với lãi suất (trừ loại TP có lãi suất thả nổi): Lãi suất tăng thì giá TP giảm và ngược lại.
Thứ hai là rủi ro lạm phát do sự mất giá của đồng tiền trong khi lãi suất TP là cố định. Ngay cả TP có lãi suất thả nổi thì rủi ro này vẫn có nếu lãi suất không phản ánh hết lạm phát.
Thứ ba là rủi ro tỉ giá. Đây là điểm rất quan trọng đối với NĐTNN vì TP được giao dịch bằng VND, nếu VND mất giá so với USD thì khi quy đổi NĐT sẽ bị thiệt do đổi được ít USD hơn.
Những rủi ro cơ bản này đang rất rõ ràng trên TTCKVN. Lạm phát tăng cao và VND giảm giá mạnh đang làm tâm điểm của thị trường lúc này, đặc biệt sau những dự báo của tổ chức nước ngoài về mức độ mất giá của VND sẽ rất mạnh đến cuối 2008.
Theo ông Fiachra Mac Cana, TGĐ CTCK TPHCM (HSC), "NĐTNN đang tìm cách thoát ra khỏi thị trường TP và chúng ta thấy những giao dịch TP diễn ra với mức tỉ suất sinh lời lên tới 21% cho TP chính phủ kỳ hạn 5 năm. Tỉ suất sinh lời cho các loại TP khác cũng không có sự khác biệt nhiều. Các tổ chức nước ngoài đã mua vào rất nhiều các TP này vào năm ngoái khi mà viễn cảnh chung của nền kinh tế gợi ý về sự tăng giá của VND.
Hiện tại, với sự giảm giá của đồng nội tệ, tỉ suất sinh lời TP tăng cao, và sự kém thanh khoản của các hợp đồng kỳ hạn tiền tệ làm giảm cơ hội cho khả năng bảo hiểm tỉ giá ở hầu hết các mức hợp lý".
Tuy nhiên, cũng theo ý kiến này, khối lượng giao dịch vẫn khá nhỏ và xu hướng này có thể sẽ không thể kéo dài khi đồng tiền đã ổn định trở lại.
Tuần đầu tiên của tháng 6 chứng kiến giao dịch bán ồ ạt TP của NĐTNN với tổng giá trị bán ròng lên tới 1.106,9 tỉ đồng. Điều đó cũng đồng nghĩa với một lượng vốn tương đương được chuyển sang tiền mặt.
Tại sàn HaSTC, không có bất kỳ thống kê cụ thể nào về tương quan giao dịch TP của NĐTNN, nhưng tổng giá trị chuyển nhượng tuần qua cũng đạt 4.574,8 tỉ đồng và tính từ tháng 5 trở lại đây đạt 14.105,8 tỉ đồng.
Tiền "chạy" đi đâu?
Những tín hiệu giảm mua của NĐTNN trên thị trường khớp lệnh và bán mạnh trên thị trường TP đi liền với câu chuyện tỉ giá USD trên thị trường tăng cao dễ đưa đến một kết luận tiêu cực rằng nguồn tiền mặt đang chảy vào thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, vẫn cần có những bằng chứng xác thực hơn về mối quan hệ này.
Ngoài biến động ngược chiều trên thị trường TP những ngày gần đây, thị trường CP vẫn ghi nhận các hoạt động mua vào của dòng vốn ngoại dù cường độ đã suy giảm mạnh. Về tổng thể, NĐTNN vẫn là đối tượng mua ròng CP.
Thống kê từ ngày 2.1.2008 đến nay, tổng khối lượng CP và chứng chỉ quỹ được mua ròng qua riêng phương thức khớp lệnh là 74.571.520 CK, tương đương 4.818 tỉ đồng. Riêng trong 2 tuần gần đây khi nguồn vốn ngoại bán TP mạnh thì giao dịch mua vẫn lớn hơn bán với thị trường CP, qua cả khớp lệnh lẫn thỏa thuận: Xấp xỉ 2,34 triệu CK được mua ròng, tương đương 83 tỉ đồng; giao dịch thỏa thuận cũng ở mức ròng 22,9 tỉ đồng.
Như vậy có thể kết luận dòng tiền chưa có biểu hiện "tháo chạy" ra khỏi thị trường CP. Rất có thể tuần này, các tổ chức nước ngoài sẽ tiếp tục bán mạnh TP. Với kịch bản lạc quan nhất, nếu nguồn tiền mặt này không bị chia sẻ sang các kênh đầu tư khác thì sức cầu tiềm năng sẽ khá lớn.
Khối lượng dư bán trung bình 5 phiên gần đây đạt khoảng 30,8 triệu CK, trong đó bán giá sàn khoảng 10,5 triệu CK. Tổng giá trị bán sàn trung bình đạt 345,6 tỉ đồng/phiên.
Số liệu liên tục từ tháng 4.2008 cho thấy lượng bán sàn vẫn đang tăng lên nhưng giá trị lại tăng không đáng kể do giá CK giảm mạnh. Liệu sẽ có một sức mua đủ lớn để "giải quyết" hết lượng CP đang bị bán tháo?