Bắt tạm giam TGĐ và Phó TGĐ chi nhánh Công ty VIPEC tại Hà Tĩnh

 
 
Ngày 19/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Duy Tiệp, 28 tuổi, Tổng Giám đốc; Nguyễn Xuân Hậu, 28 tuổi, Phó tổng giám đốc Chi nhánh Công ty VIPEC tại Hà Tĩnh về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 139 BLHS. 

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, từ tháng 9/2012 đến tháng 4/2013, mặc dù Chi nhánh Công ty CP Xúc tiến thương mại và Hợp tác quốc tế VIPEC tại Hà Tĩnh không được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (giữa hai Chính phủ Việt Nam và Ăngôla chưa ký thỏa thuận hợp tác lao động phổ thông), nhưng Nguyễn Duy Tiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và Nguyễn Xuân Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty VIPEC chi nhánh Hà Tĩnh đã dùng danh nghĩa Công ty VIPEC giao nhiệm vụ cho nhân viên của Chi nhánh như: Lái xe, kế toán… tìm người và vận động họ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Ăngôla. 

Nhân viên nào tìm được một người thì được Tiệp thưởng 5 triệu đồng ngoài tiền lương. Ngoài ra, để tìm được người đi XKLĐ ở Ăngôla, Nguyễn Duy Tiệp đã cho lập trang web, cho in tờ rơi quảng cáo. Sau khi có người tìm đến "tìm sự giúp đỡ" của Công ty để được đi XKLĐ, Tiệp và Hậu trực tiếp cùng các nhân viên chi nhánh Công ty VIPEC tư vấn, vận động người đi XKLĐ với các lời hứa đầy thuyết phục và có mức thu nhập lớn như: Đi sang Ăngôla bằng con đường XKLĐ chính thống; khi đi sẻ ký hợp đồng lao động; thời gian hợp đồng lao động ở nước ngoài là 3 năm; được gia hạn từng năm một và có thể kéo dài đến 10 năm; có mức lượng được hưởng từ 700 đến 1.200 USD/người; trong quá trình lao động được chủ sử dụng lao động bao ăn, ở; thời gian làm thủ tục xuất cảnh chậm nhất là 2 tháng…

Tin tưởng vào những lời hứa của Nguyễn Duy Tiệp và Nguyễn Xuân Hậu nên từ tháng 9/2012 đến 4/2013, có 8 lao động đã đến đăng ký đi XKLĐ ở Ăngôla qua Công ty VIPEC tại Hà Tĩnh với số tiền phải nộp trên 650 triệu đồng. Trong số 8 lao động nói trên có những lao động đã được Tiệp đưa sang Ăngôla bằng con đường bất hợp pháp nhưng khi sang thì không hề có việc làm, sau một thời gian lang thang, gia đình đành phải gửi tiền sang để mua vé máy bay về như trường hợp anh Lê Văn Hùng ở xã Thịnh Lộc, Lộc Hà.

Để được "đi chơi" Ăngôla, trước đó anh Hùng đã phải nộp cho Công ty của Tiệp và Hậu gần 130 triệu đồng. Các anh Nguyễn Văn Hưng, Lê Văn Phong là những nạn nhân cùng phải gánh chịu số phận như anh Hùng đó là: tiền mất, việc làm không có, để lại một đống nợ nần cho người thân và gia đình..

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây