Gạo tết vào mùa, lúa trúng giá

 
 
Dự đoán từ nay tới tết, thị trường lúa gạo trong vùng khó biến động tăng giá cao hơn.

Hiện nay, ở các tỉnh ĐBSCL, nhiều địa phương đã xuống giống lúa vụ ĐX. Vào thời điểm này, các vụ lúa chính trong năm kết thúc, ngoại trừ một số vùng lúa TĐ thu hoạch muộn nên lúc này xem như mùa giáp hạt. Lượng lúa hàng hóa không còn nhiều, giao dịch với mức giá cao. Tuy nhiên, hiện có thêm nguồn cung mới “nối mạch” từ đồng lúa Campuchia đang thu hoạch.

Dân hàng xáo mua lúa, xay xát cung ứng gạo chợ cho các đầu mối quanh khu vực “chợ gạo” Thốt Nốt (Cần Thơ) cho biết, nhờ có thêm lúa mới bên Campuchia bán sang nên khó xảy ra sốt giá gạo từ nay tới tết.

Trong mấy năm gần đây, dịp cuối năm, dân mua bán gạo nội địa bắt đầu tìm nguồn hàng làm gạo ngon đóng gói làm quà bán dài dài cho tới tết. Gạo bán chợ tết chỉ chọn gạo thơm, ngon cơm như Jasmine, Nàng Thơm Chợ Đào (Long An), Tài Nguyên, gạo ST (Sóc Trăng), gạo Một Bụi (Bạc Liêu)…

Chợ gạo “chộn rộn” hút hàng bán tiểu ngạch trong mấy tháng vừa qua. Bất ngờ hơn, sau siêu bão Haiyan, Philippines tăng số lượng NK gạo. Một số DN gia tăng thu mua bổ sung nguồn hàng theo hợp đồng XK.

Trong khi sau vụ TĐ lượng lúa nguyên liệu không lớn, nguồn hàng tạm trữ lúa ĐX, HT các DN đã xuất bán dần và không còn tồn kho nhiều. Do đó, thị trường lúa gạo trong vùng ĐBSCL tăng giá cao và chỉ giảm nhẹ 100-200 đ/kg trong tuần qua khi các DN vừa kết thúc xong đợt giao hàng, giảm bớt lượng thu mua nhập kho.

Một chủ DN kinh doanh lúa gạo tại Đồng Tháp cho biết, hằng năm vào lúc này lượng lúa từ Campuchia bán sang 700-800 tấn/ngày. Nhưng trong những ngày vừa qua ước có thể tăng hơn 1.000 tấn/ngày.

Hiện nay, lúa mới IR50404 tại đồng bên kia biên giới giá 4.900 đ/kg, thương lái chở sang bán hơn 5.100 đ/kg. Một số dân bán buôn tiểu ngạch thường chọn mua lúa Sóc chế biến ra gạo đặc sản bán 11.000 đ/kg và lúa mùa KDM (Khao Dak Mali) chế biến gạo thơm hương lài bán sỉ 14.500 đ/kg, giá bán lẻ 16.000-17.000 đ/kg.

Dân lái lúa vùng hạ lưu ĐBSCL cho rằng, gọi mùa giáp hạt để nói lúa trong vùng không còn nhiều như ngày xưa làm lúa mùa. Ngày nay nông dân trồng lúa ngắn ngày, tăng vụ nên các tỉnh trong vùng hầu như lúc nào cũng có cây lúa đứng chân trên đồng.

Hiện một số vùng lúa TĐ trong đê bao ở An Giang đang thu hoạch muộn. Vùng lúa mùa, lúa-tôm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu sắp thu hoạch. Bên cạnh đó, một số kho trữ lúa của tư nhân từ sau vụ ĐX, HT vẫn còn và đang bán ra trước khi vụ lúa ĐX mới thu hoạch rộ sau tết. Do đó, lượng lúa trong vùng không đến nỗi quá khan hiếm.

Anh Công Tương, dân chuyên kinh doanh lúa gạo nội địa nói: Theo chu kỳ trong năm giá lúa gạo thường tăng trong mùa giáp hạt sau khi vụ lúa TĐ kết thúc. Năm nay do khách quan, khi nhu cầu gạo XK tăng, giá lúa trong vùng tăng lên. Nhưng vào lúc này, nông dân không còn lúa nhiều để bán. Dân trữ lúa trong bồ giờ mới bán ra là những người có vốn.

Các hộ dân “bạo gan” trữ lúa từ vụ ĐX 2012-2013 chờ giá, đến nay bán ra trúng giá. Hiện thời lúa cũ ĐX loại hạt dài thường 6.000-6.200 đ/kg, tăng so với lúc thu hoạch hơn 1.000 đ/kg. Lúa Jasmine cũ ĐX có giá cao nhất 8.000 đ/kg, lúa Jasmine vụ HT 7.800-7.900 /kg.

Giám đốc một DN kinh doanh lúa gạo tại huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), tính toán: “Thời gian trữ lúa từ tháng 2 đến tháng 10, sau 8 tháng chịu đựng hao hụt, chi phí kho bãi, hao hụt do bốc xếp hàng và lãi suất vay ngân hàng…, không phải DN nào cũng có điều kiện để tạm trữ lúa đến bây giờ bán kiếm lãi".

Ông Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Cty CP Gentraco (Thốt Nốt-Cần Thơ): “Dự đoán từ nay tới tết, thị trường lúa gạo trong vùng khó biến động tăng giá cao hơn. Hiện phần lớn các DN đủ chỉ tiêu giao hàng đợt 1 xuất sang Phiippines. Hơn nữa, hàng đang tập trung tại cảng nhiều, áp lực thu mua không lớn. Trong khi hàng gạo xuất tiểu ngạch lựa chọn gạo hạt dài OM6976, gạo Sóc…, hàng gạo ngon bán chợ tết thương lái về mua ở vùng trồng lúa thơm, lúa mùa ở Sóc Trăng, Bạc Liêu không thiếu”.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây