Theo Hiệp hội Các Nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI), một số điểm Ban soạn thảo quy định vẫn còn bất hợp lý, chưa thuyết phục, thậm chí can thiệp quá sâu vào nội bộ DN.
Liệu còn là ưu đãi?
Hiện nay, giá cổ phiếu trên TTCK được nhận định là có những biến động khó nắm bắt, có những thời điểm biến động rất nhanh, có nhiều loại cổ phiếu giảm giá từ 30%- 60% chỉ trong vài tháng. Trong khi đó, khi thực hiện việc sửa đổi và bổ sung, tại Điểm C mục 1 của Bản Dự thảo qui định về việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động lại đề cập: “Giá bán cổ phiếu cho người lao động không được thấp hơn 40% giá thị trường tại thời điểm phát hành....”. Các chuyên gia của VAFI cho rằng, quy định như trên là không hợp lý, không có cơ sở pháp lý thậm chí trái với Luật DN, không theo qui tắc quản trị DN.
Cụ thể, nếu vừa khống chế giá bán không thấp hơn 40% giá thị trường tại thời điểm phát hành cộng với điều kiện không được chuyển nhượng trong vòng 1 năm thì chắc chắn người lao động mua cổ phiếu “ưu đãi” sẽ gặp phải đối mặt với rủi ro lớn về thua lỗ.
Như vậy, chính sách bán cổ phần cho người lao động nhằm mục đích thu hút nhân tài, giữ chân người lao động hay khuyến khích vật chất sẽ phá sản không thể thực hiện được vì đa phần người lao động sẽ không tham gia chương trình này. Nếu thực sự vì mục đích bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số mà đưa ra qui định như trên thì cũng không hợp lý. Ngoài ra, khi đưa ra qui định trên, chúng ta không thể dựa vào Nghị định 109 (về chuyển DN nhà nước thành CTCP) bởi lẽ chính sách ưu đãi cho người lao động tại DN nhà nước cổ phần hoá do chủ sở hữu có toàn quyền quyết định.
Tuy nhiên, thực tế việc cho người lao động trong DNNN cổ phần hoá được mua cổ phiếu ưu đãi giảm giá 40% so với giá đấu bình quân không còn hấp dẫn, thậm chí người lao động bị thua lỗ như các trường hợp của PVI, PV Trans, Khách sạn Kim liên, Công ty Khí hoá lỏng miền Nam, miền Bắc...
Chỉ nên hướng dẫn không nên bắt buộc
Với quy định: “Tổng số cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong vòng 12 tháng không vượt quá 5% vốn cổ phần đang lưu hành của công ty”, VAFI cho rằng, đối với DN lớn hay Ngân hàng cổ phần thì mức 5% là quá nhiều. Nhưng đối với những DN nhỏ có tốc độ tăng trưởng nhanh hay có nhiều lao động thì mức 5% lại quá nhỏ. Đó là những bất hợp lý, vô hình trung Ban soạn thảo đã can thiệp quá sâu vào công tác quản trị DN, vi phạm Luật DN.
Quy định “Đối với công ty có cổ đông nhà nước nắm giữ thì tổ chức, cơ quan nhà nước quản lý phần vốn nhà nước phải có văn bản nêu rõ ý kiến gửi người đại diện chủ sở hữu của mình để thực hiện quyền của cổ đông nhà nước liên quan đến việc phát hành cổ phiếu cho người lao động theo chương trình lựa chọn” cũng có nhiều vấn đề.
Trong trường hợp chỉ cần công ty nhà nước có 1 cổ phần trong DN thì DN đó phải xin và chờ công văn của cơ quan đại diện cho cổ phần nhà nước. Việc các công ty nhà nước đầu tư vào các CTCP hay mua bán cổ phiếu niêm yết là việc của các công ty nhà nước, không liên quan đến hoạt động của CTCP. VAFI cho rằng, nếu qui định này không bãi bỏ thì đây sẽ là cái bẫy của cơ chế xin cho khi DN phải hoàn thành nhiều thủ tục rắc rối để thực hiện chương trình phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động.
Ở Điểm 2.1.a. Mục II Thông tư 18/2007/TT-BTC: “Công ty không được thực hiện việc mua lại cổ phiếu của chính mình trong trường hợp công ty đang có nợ quá hạn”, cần phải cụ thể khái niệm về “nợ quá hạn”, phân định rõ nợ phải thu quá hạn và nợ phải trả quá hạn để có cơ chế quản lý thích hợp. Nợ phải thu quá hạn ở 1 mức độ nhỏ là trường hợp phổ biến ở đa phần DN. Khi quy định DN có nợ phải thu quá hạn thì không được mua cổ phiếu Quỹ, điều đó sẽ dẫn đến đa phần DN không đủ điều kiện để mua cổ phiếu quỹ mặc dù tình trạng tài chính là lành mạnh, hoặc lợi nhuận hàng năm ở mức cao.
Theo VAFI, với các qui định pháp lý liên quan đến Chương trình phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động cần quán triệt nguyên tắc phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động là nhằm tạo động lực để phát triển DN; tận dụng hiệu quả mà TTCK đem lại; là áp dụng được phương thức tăng thêm lợi ích cho người lao động bằng hình thức trả lương phi vật chất, đồng thời phải đảm bảo không ảnh hưởng tới lợi ích của các cổ đông hiện hữu.
Những qui định được ban hành chỉ mang tính hướng dẫn cho DN mà không mang tính bắt buộc phải thực hiện nhằm đảm bảo tính năng động trong quản trị DN. Nhà nước không thể có những qui định cứng nhắc về số lượng cổ phiếu khống chế hay giá bán khống chế mà nên để DN tự quyết định, tuy nhiên khi lấy ý kiến tại Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị cần lên 1 phương án chi tiết để ĐHCĐ cho ý kiến biểu quyết.