Chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng 500,22 điểm, tương đương 3,17%, lên mức 16.302,02 điểm. Trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, chỉ số Hang Sheng tăng 819,22 điểm, tương đowng 3,33%, lên mức 25.396,073 điểm.
Giá cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Singapore, Đài Loan và Philippines đều tăng giá.
Tại Hàn Quốc, Chỉ số Korea Composite tăng 57,75 điểm, tức 3,1% lên mức 1.896.36 điểm. Chỉ số chứng khoán chính của Philippines cũng tăng 73,23 điểm, tức 2,2%, lên mức 3.362,98 điểm.
Trong phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số chứng khoán chính của thị trường chứng khoán Ấn Độ đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, nhờ sự tăng giá mạnh mẽ của các cổ phiếu công nghệ và ngân hàng. Chỉ số Sensex của Sở Giao dịch Chứng khoán Bombay tăng 396 điểm, tức 2,5%, lên mức 16.065 điểm, lần đầu tiên vượt ngưỡng 16.000 điểm.
Ngược lại với những gì diễn ra ở các thị trường nói trên, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm 58,91 điểm, tức 1,1%, xuống còn 5.366,29 điểm. Theo các chuyên gia, thị trường tài chính Trung Quốc có xu hướng vận độc độc lập so với thị trường tài chính thế giới do bị cách ly khỏi những dòng vốn toàn cầu. Mặc dù vậy, tính đến thời điểm này của năm, chỉ số Shanghai Composite vẫn tăng hơn 100%.
Các nhà đầu tư chứng khoán châu Á được khích lệ bởi phiên phục hồi mạnh mẽ nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ trong 5 năm qua vào ngày 18/9 sau quyết định của FED. Trước đó, giới đầu tư chứng khoán châu Á lo ngại rằng, cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ có thể sẽ kéo thụt lùi sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ, thị trường xuất khẩu chính của các công ty châu Á.
”Họ đã làm một việc đúng đắn,” Joseph Han, một nhà chiến lược tại Công ty Chứng khoán Daewoo ở Hàn Quốc nhận định về việc FED cắt giảm lãi suất.
Sau động thái của FED, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định duy trì lãi suất Yên Nhật ở mức 0,5%, đúng như dự báo trước đó của giới chuyên gia.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới cho thấy họ đang hợp tác với nhau để duy trì sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu, và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản khó lòng mà tăng lãi suất khi mà FED tiến hành giảm lãi suất.
Ngoài ra, ở Nhật Bản cũng đang xuất hiện những dấu hiệu của sự thiểu phát, tức giá cả có chiều hướng đi xuống. Ngoài ra, thống kê của Chính phủ Nhật cho thấy, trong quý 2 năm nay, kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 0,5% so với mức dự báo ban đầu.
Chính phủ Nhật bày tỏ sự hoan nghênh mạnh mẽ quyết định của FED. “Họ đã phản ứng rất nhanh với những gì đang diễn ra trên thực tế,” Kaoru Yosano, một phát ngôn viên của Chính phủ Nhật nói.