Những cổ phiếu quyết định tới VN-Index
Hơn sáu tháng qua, dù có những lúc thăng trầm nhưng xu thế chính của thị trường là đi xuống. Nhiều yếu tố bất lợi của tình hình kinh tế vĩ mô cùng sự suy giảm niềm tin đã khiến cho VN-Index suy giảm mạnh. Các mức được cho là “đáy” của đợt sụt giảm như 600, 500 rồi 400 điểm lần lượt bị phá vỡ.
Ngày 20/6, mức 366,02 điểm được tạm coi là đáy của thị trường khi từ đó tới nay, thị trường đã có xu hướng đi lên rõ ràng. Như vậy, từ đầu năm, VN-Index cũng đã mất đi hơn 50% giá trị: giảm từ 927,02 điểm ngày 27/12/2007 xuống 456,64 điểm ngày 11/7/2008.
Tầm ảnh hưởng của các cổ phiếu có vốn hoá thị trường lớn nhất đối với biến động của VN-Index là rất lớn. Dù muốn hay không thì khi niêm yết, các cổ phiếu này đã được thị trường “trao” cho trách nhiệm gánh vác VN-Index trên vai. Vậy những trụ cột này đã thực thi nhiệm vụ như thế nào?
Những tội đồ
Với mức giảm lớn hơn nhiều mức giảm chung của thị trường, thậm chí còn đứng trong top những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất của thị trường, những trụ cột này thực sự đã trở thành “tội đồ” khi làm gia tăng mức giảm của thị trường. Những cái tên có thể kể ra như SSI (giảm74,2%), FPT (-72,6%), STB (-59,5%).
Cuối năm 2007, STB là cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất thị trường (29.140 tỷ đồng) nhưng hiện tại chỉ còn 11.790 tỷ đồng (đứng thứ 5). FPT từ 20.493 tỷ đồng (thứ 4) xuống còn 5.638 tỷ đồng (thứ 11). Còn SSI, dù có thêm 166 triệu cổ phiếu được chuyển đổi từ trái phiếu nhưng cũng giảm từ 20.160 tỷ xuống còn 5.644 tỷ đồng.
Cả ba mã STB, SSI, FPT đều được coi là “những chỉ báo của cơn lũ giải chấp”. Do tính thanh khoản cao mà trước đây các cổ phiếu này được đem đi cầm cố khá nhiều. Rồi khi thị trường suy giảm mạnh, các lệnh bán giải chấp được ồ ạt tung ra với khối lượng lên tới vài triệu đơn vị mỗi phiên.
Từ vị trí là những cổ phiếu quan trọng nhất của thị trường (top 5) nhưng với mức độ giảm quá lớn như trên, vai trò của các cổ phiếu này đã giảm khá nhiều. Nhưng điều đáng nói là trong quá trình sụt giảm đó, các trụ cột này đã tác động xấu tới VN-Index, làm gia tăng tốc độ suy giảm của thị trường.
Những công thần
Bên cạnh những “tội đồ” thì các trụ cột còn lại nhìn chung đã hoàn thành khá tốt vai trò của mình. Trong 10 mã giảm giá ít nhất kể từ đầu năm thì có tới 6 cổ phiếu trụ cột: ITA, VPL, PVD, DPM, VNM, HPG.
Các cổ phiếu này đều giảm không quá 30%, trong đó mức giảm của ITA (-12,8%), VPL (-19,1%), PVD (-22,6%) là rất ấn tượng khi mức độ suy giảm của VN-Index lên tới 50%.
Như vậy, nhóm công thần này đã góp sức rất nhiều trong việc làm giảm bớt những tác động tiêu cực mà nhóm "tội đồ" gây ra, đồng thời đã hãm phanh được con tàu VN-Index không trượt xuống sâu hơn.
Phong độ & đẳng cấp
Dù có những lúc rơi vào tình cảnh bi đát thì các trụ cột của thị trường vẫn đều là những cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu, lợi nhuận cao, còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Khi thị trường bước vào giai đoạn phục hồi và đi lên thì đây sẽ lại những đầu tàu tiên phong. Điều này đã được minh chứng trong hơn nửa tháng qua. Ngay cả những cổ phiếu “cầm đèn đỏ” như SSI, STB cũng có những bước nhảy ngoạn mục, tìm lại vị thế đã mất của mình.
Xét về lâu dài, các blue-chip này là sự lựa chọn tốt để đầu tư. Chính vì thế mà từ đầu năm tới nay, dù tình hình thị trường thế nào, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tích cực mua vào. Các mã được mua ròng nhiều nhất là DPM (23 triệu đơn vị), SSI (21,8 triệu), PPC (9,2 triệu), HPG (7,6 triệu)…