![]() |
Năm 2008, theo nhiều chuyên gia, sẽ là năm bùng nổ của ngành ngân hàng ở Việt Nam |
Theo các chuyên gia, năm 2007 lạm phát ở Việt Nam được đánh giá là cao. Ngoài việc giá cả tăng cao do chính sách quản lý chưa được tốt. Ông bình luận gì về việc kiểm soát lạm phát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm qua?
Tôi nghĩ rằng ngân hàng nhà nước đã nói rõ là họ muốn giải quyết vấn đề lạm phát ở Việt Nam trong năm 2007. Tôi đã thấy họ có những chính sách nhất định. Ví dụ như tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng. Thứ hai là áp dụng mức trần 3% trong cho vay đầu tư chứng khoán. Thứ ba là mở rộng cái quy định về mua bán ngoại hối của các ngân hàng. Tôi nghĩ rằng, đây là một số điều thể hiện họ đã có ý định rõ ràng trong giải quyết vấn đề lạm phát của Việt Nam.
Theo tôi nghĩ việc Chính phủ cần làm là họ phải thông tin rõ ràng với người dân về thông điệp muốn giải quyết về lạm phát. Thứ hai là họ có thể đưa ra một số mức lạm phát chấp nhận được đối với nền kinh tế.
Các chuyên gia cũng dự báo 2008 sẽ là năm bùng nổ của hệ thống ngân hàng. Ông có thể nói rõ hơn về sự bùng nổ này?
Ngành ngân hàng là ngành phục vụ cho tất cả các ngành khác và phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Việt Nam đang trong thời kỳ tăng trưởng rất cao và sẽ còn duy trì mức tăng trưởng này trong những năm tới nên tôi nghĩ ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phát triển mạnh.
Tuy nhiên, cũng lưu ý là ngành ngân hàng cần có cái nhìn dài hạn. Chúng ta không thể thành lập một ngân hàng với hy vọng ngày mai sẽ có lợi nhuận ngay. Chúng ta phải thành lập ngân hàng với cái nhìn là sẽ phục vụ người tiêu dùng và khách hàng như thế nào là tốt nhất. Chính vì vậy cần có một chiến lược dài hạn cho ngành ngân hàng của Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về sự hợp tác chiến lược giữa các ngân hàng “nội” và “ngoại” trong thời gian vừa qua. Xu hướng trong vòng vài năm tới sẽ như thế nào?
Tôi nghĩ cạnh tranh là điều tốt, Thứ nhất là tốt cho người tiêu dùng khi mà các ngân hàng nước ngoài mua lại và thành lập quan hệ đối tác chiến lược với các ngân hàng trong nước thì họ sẽ mang đến những kiến thức, khả năng quản lý vốn, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp của mình cho các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này là hoàn toàn tốt cho ngành ngân hàng tại Việt Nam.
Như chúng tôi vừa nói, Việt Nam đang ở trong giai đoạn tăng trưởng rất là cao vì thế trong giai đoạn này, nhu cầu về dịch vụ tài chính ngân hàng là hết sức lớn. Tôi thấy trong vòng 5 năm nữa, chúng ta sẽ rất cần các dịch vụ về tài chính và ngân hàng. Nhưng khi ngành ngân hàng đạt đến giai đoạn chín muồi thì chúng ta không thể nói trước được điều gì.
Điều này là do hiện nay các ngân hàng đang xin hoặc đang được thành lập họ đáp ứng được yêu cầu về vốn của Chính phủ và có tiềm lực rất mạnh. Vì thế chưa thể nói được gì nhiều về xu hướng hợp tác này trong vài năm tới.
Ông Thomas Tobin, Chủ tịch kiêm GĐ điều hành HSBC Việt Nam |
Trong năm 2007, Việt Nam đã tiếp nhận lượng vốn FDI rất lớn. Liệu có xảy ra tình trạng “bội thực” vốn FDI? Nhiều chuyên gia cũng cho rằng vấn đề không phải là thu hút thật nhiều đầu tư mà là sử dụng số vốn này như thế nào cho hiệu quả. Nếu Việt Nam không sử dụng tốt nguồn vốn đầu tư này thì theo ông điều gì sẽ xảy ra?
Tôi không đồng ý với quan điểm “bội thực” vốn đầu tư FDI. Tôi nghĩ Việt Nam còn cần nhiều vốn đầu tư trực tiếp hơn như thế. Vấn đề là những nhà đầu tư khi đến Việt Nam không nên mang theo tư duy về lợi nhuận ngắn hạn. Họ phải có tư duy đầu tư dài hạn. Họ phải đào tạo công nhân, nhân viên của mình tại Việt Nam và phải có kế hoạch đầu tư dài hạn. Đôi khi họ không thể thu được lợi nhuận ngay trong vòng 1-2 năm, mà phải dài hơn thế và tôi nghĩ họ phải kiên nhẫn.
Hôm nay tôi có đọc một bài viết về việc Hàn Quốc là một nhà đầu tư lớn ở Việt Nam. Tôi nghĩ đây là điển hình về đầu tư đáng học tập vì họ mang theo quan niệm tư duy đầu tư lâu dài vào Việt Nam. Họ xây dựng nhà máy, đào tạo công nhân và có kế hoạch đầu tư từ 5-15 năm mới thu được lợi nhuận. Tất nhiên, cũng có một số vấn đề không mong đợi ảnh hưởng đến việc đầu tư như lạm phát.
Theo tôi, trong thời điểm hiện tại, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải áp dụng một số biện pháp để sử dụng hiệu quả quả nguồn vốn FDI này trong ngắn hạn.
Thiếu nhân lực chất lượng cao là vấn đề được các chuyên gia nhắc tới nhiều. Theo ông trong vòng 5 năm tới nếu không giải quyết được vấn đề này thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của Việt Nam cũng như sự quan tâm của nhà đầu tư?
Tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề nhân lực trong vòng 5 năm tới với điều kiện phải có kế hoạch và hành động ngay từ bây giờ. Trong 5 năm tới, những thế hệ trẻ có nền giáo dụng tốt sẽ đuổi kịp và sẽ là nguồn bổ sung nhân lực chính cho khoản đầu tư nước ngoài kể trên.
Như tôi đã nói, Việt Nam có ưu điểm là nước có dân số rất trẻ. Nếu nhìn xa hơn nữa trong vòng 10-20 năm nữa khi dân số các nước đã già đi, thì Việt Nam sẽ có nguồn nhân lực trẻ cung ứng cho nền kinh tế. Chúng ta nên có cái nhìn dài hạn như vậy. Chúng ta cũng nên có những cải cách giáo dục ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho những bước tiếp theo.
Xin cảm ơn ông!