Việt Nam - Ngôi sao đang lên là Hội nghị đối thoại cấp chính phủ mở màn cho 40 Hội nghị quốc tế được Economist Conference tổ chức trong năm nay trên toàn thế giới, bao gồm cả Nhật Bản, Malaysia và Ấn Độ.
Hội nghị lần này là cơ hội để các doanh nhân cao cấp có thể tham gia thảo luận cụ thể với các nhà hoạch định chính sách chủ chốt của Việt Nam về triển vọng đầu tư và đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Hội nghị có thể được triển khai hàng năm, hoặc một năm hai lần tại Việt Nam trong những năm tiếp theo.
![]() |
Ông Justin Wood – GĐ Corporate Network của The Economist tại Singapore: Việt Nam sẽ không thành một Trung Quốc thứ 2 ở châu Á nhưng sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng. |
Việt Nam: Ngôi sao đang lên
Ông Justin Wood – Giám đốc Corporate Network của The Economist tại Singapore và là chuyên gia về Đông Nam Á, triển vọng nền kinh tế Việt Nam rất khả quan với tỷ lệ tăng trưởng năm 2007 là 8,3%, xếp thứ 3 ở khu vực châu Á, sau Trung Quốc và Campuchia. Tỷ lệ này theo dự đoán sẽ tiếp tục được duy trì.
Động lực cho sự phát triển, để "ngôi sao" Việt Nam nổi lên theo ông Justin, chính là sự ổn định chính trị với các nhà lãnh đạo quyết đoán, tiếp nối các thế hệ, đưa ra các quyết định dũng cảm và duy trì cam kết đổi mới.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở cửa với thương mại quốc tế, với bước đi mới nhất và dài nhất trong quá trình hội nhập, là trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Công nghiệp hóa đi đôi với hội nhập tạo cơ hội mở rộng hoạt động sản xuất cho các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam. Cùng với đó là mức đầu tư cao, chiếm tới 1/3 GDP, đặc biệt là FDI có mức tăng trưởng ấn tượng.
Chỉ riêng năm 2007, mức cam kết đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt kỷ lục, 20 tỷ USD, bằng 25% tổng đầu tư nước ngoài Việt Nam thu hút được trong 15 năm qua (84 tỷ USD).
Việt Nam đang trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất châu Á. Các nhà đầu tư chuyển dịch ngày càng nhiều từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ông phân tích, về ngắn hạn, xu hướng phát triển sẽ được tiếp tục, bắt nguồn từ nhiều nguồn lực, đáng kể là sự mở rộng của nền công nghiệp. Xuất khẩu, không tính dầu thô, tăng mạnh; đầu tư thiết yếu đối với các nhà máy và cơ sở sản xuất đang được triển khai nhanh chóng, viễn cảnh tiêu dùng - dưới tác động của phát triển việc làm và mở rộng tiếp cận đến các nguồn tài chính tiêu dùng - cũng đầy hứa hẹn.
Về dài hạn, Việt Nam có nhiều nhân tố tích cực để duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, đó là lực lượng lao động trẻ và đang phát triển, chi phí nhân công thấp hơn các nước láng giềng và trình độ công nghệ của họ ngày càng tăng. Cam kết của Chính phủ về việc tự do hóa nền kinh tế và việc đưa ra các cải cách trên nền tảng thị trường đem lại tác động tích cực.
Thomas Tobin, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành HSBC Việt Nam nhìn nhận Việt Nam hiện là con hổ mới ở châu Á với triển vọng đầu tư cao.
Một Trung Quốc thứ 2 ở châu Á?
Nhìn nhận về "ngôi sao đang lên" Việt Nam, các diễn giả đặt vấn đề: "Liệu Việt Nam có trở thành hiện tượng Trung Quốc thứ 2 ở châu Á không?". Câu trả lời đưa ra là “Không”!
Theo ông Justin, dù có rất nhiều điểm tương đồng, nhưng Việt Nam có quá nhiều điểm khác biệt so với Trung Quốc. Việt Nam không thể đạt được sự phát triển ấn tượng với GDP tăng trưởng 2 con số trong thời gian dài như của Trung Quốc.
![]() |
"Chặng đường để tạo sự tương thích giữa GDP (nhỏ) và dân số Việt Nam (lớn) sẽ còn rất dài và không hề dễ dàng". |
Ông lý giải, Việt Nam có quy mô thị trường hoàn toàn khác với Trung Quốc, với 85 triệu dân. Với đặc thù phát triển của mình, Việt Nam sẽ không trải qua những điều mà Trung Quốc đã trải qua trong quá trình phát triển. Từ kinh nghiệm cải cách của Trung Quốc, Việt Nam thực hiện một chiến lược cải cách có tính toán, ổn định và vững chắc hơn. Với điều kiện của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng 8,5% là phù hợp.
Hơn nữa, tỷ lệ tiết kiệm của Trung Quốc cao hơn Việt Nam rất nhiều, do đó, khả năng đầu tư và tái đầu tư của nước này lớn hơn, dẫn đến tăng trưởng cao.
Thâm nhập thị trường Việt Nam từ 16 năm trước, khi quốc tế bắt đầu quan tâm đến nền kinh tế này nhờ những thành tựu bước đầu của công cuộc Đổi mới, ông Peter Ryder, GĐ điều hành Indochina Capital có cách nhìn lạc quan vào sự phát triển của Việt Nam.
Ông nói, câu chuyện Việt Nam vẫn được tôi nhắc lại từ 15 năm nay, bất cứ khi nào có dịp, rằng trong quá khứ, khoảng 100 năm trước, Việt Nam đã từng là một cường quốc kinh tế ở khu vực Đông Nam Á. Tôi tin Việt Nam sẽ sớm quay trở lại vị trí này trong thời gian sắp tới.
Sự tăng trưởng của Việt Nam tuy không ấn tượng với tỷ lệ đáng kinh ngạc như Trung Quốc nhưng theo hướng bền vững hơn, mang lại lợi ích cho người dân nhiều hơn. Nhân tố mô hình thống nhất với dân cư thuần nhất, sử dụng một loại ngôn ngữ tiếng Việt giúp Việt Nam giảm thiểu những xung đột nội tại trong xã hội, đảm bảo sự bền vững trong phát triển kinh tế.
Việt Nam lại nằm ở trung tâm của châu Á, như một hòn đảo với đường bờ biển dài, và không lấn sâu vào lục địa như Trung Quốc, nước này có xu hướng cầu thị, mở cửa tiếp thu bên ngoài nhiều hơn, trong khi Trung Quốc hướng vào nội địa nhiều hơn. Trung Quốc thấy họ có thể tìm thấy mọi thứ họ cần cho phát triển ở ngay nước mình.
Việt Nam không phải là Trung Quốc thứ 2 mà sẽ là Hàn Quốc, Nhật Bản thứ 2, bền vững hơn, ông Peter Ryder tin tưởng.
Những khoảng tối trên ngôi sao sáng Việt Nam
Dù nhìn nhận rất lạc quan về hình ảnh Việt Nam hiện nay, các diễn giả cho rằng, Việt Nam mới ở những chặng đường đầu tiên của quá trình phát triển. "Xét trên góc độ dân số, Việt Nam là một nước lớn, với số dân đông thứ 13 thế giới. Nhưng xét trên góc độ GDP, Việt Nam vẫn còn là một nước nhỏ và nghèo. Chặng đường để tạo sự tương thích giữa GDP và dân số Việt Nam sẽ còn rất dài và không hề dễ dàng", ông Justin chia sẻ.
Các diễn giả thẳng thắn nhìn nhận Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề, tạo nên sức ỳ, lực cản để "ngôi sao mới nhất ở châu Á" nổi lên và tỏa sáng.
Ông Charles Goddard – Trưởng Ban biên tập khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Economist Intelligent Unit, đồng chủ toạ hội nghị nhận xét, Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức: tỉ lệ lạm phát cao, cơ sợ hạ tầng hạn chế, sự thiếu hoàn thiện của hệ thống pháp lý, nền hành chính nặng nề, sự thiếu hụt lao động kỹ năng.
Ông Justin phân tích cụ thể, hệ thống pháp lý của Việt Nam còn non trẻ. Khi các nhà đầu tư vào Việt Nam, họ phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu, và thích ứng với hệ thống pháp lý mới, biến đổi và non trẻ của Việt Nam, đặc biệt là pháp lý về thuế. Các thủ tục hành chính, như giấy phép của Việt Nam rất nặng nề. So với các nước xung quanh như Malaysia, Thái Lan, hệ thống quy định về thủ tục hành chính của ho tốt hơn Việt Nam rất nhiều.
Cơ sở hạ tầng được xem là trở ngại lớn đối với sự phát triển của Việt Nam với một hệ thống đường sá, cơ sở vật chất và dự án xây dựng đang chịu áp lực không nhỏ để theo kịp đà phát triển nhanh chóng và tăng trưởng kinh tế cao hiện nay.
Về nguồn nhân lực, dù có nguồn lao động lớn, trẻ, rẻ với chất lượng ngày càng nâng cao nhưng lao động Việt Nam không có đúng kỹ năng cần thiết. Với nguồn cung hạn chế, những người lao động có kỹ năng của Việt Nam đòi hỏi mức lương cao, đặc biệt với đội ngũ quản lý, mức lương cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Chia sẻ đánh giá này, ông Thomas Tobin, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành HSBC Việt Nam cho biết, riêng ngành ngân hàng đang khan hiếm trầm trọng nhân viên có chuyên môn cao. Để đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên viên ngân hàng thực thụ và chuyên nghiệp sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức. Do đó, trong vài năm tới, Việt Nam vẫn phải chứng kiến sự thiếu hụt lượng lượng này một cách rõ rệt.
Những vấn đề này được xem là những khoảng tối trên ngôi sao Việt Nam. Ông Justin cho rằng, cũng như các nền kinh tế đang nổi khác, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và nguy cơ. Tuy nhiên, tiềm năng của Việt Nam rất to lớn, và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh. Các diễn giả gợi ý, Việt Nam nên học tập những bài học từ các con hổ lớn châu Á trong quá trình phát triển của mình.