![]() |
Thâm hụt cán cân thương mại làm cầu đô la tăng |
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Phó ban giám đốc Nguồn vốn - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên có chính sách cụ thể hơn về hỗ trợ ngoại tệ.
Ông Quỳnh nhận định, việc thông tin đầy đủ và rõ ràng về chính sách của Chính phủ trong việc điều hành tỷ giá ở biên độ +/- 2% đã giúp thị trường và người dân ổn định một phần tâm lý.
Tuy nhiên,Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên có các hành động can thiệp cụ thể, phản ứng kịp thời với các diễn biến bất thường của thị trường, tránh để yếu tố tâm lý làm thị trường biến động quá xa so với thực tế.
Theo ông Quỳnh, thị trường ngoại tệ trong nước biến động khác thường trong tuần qua là bởi hai nguyên nhân:
Thứ nhất, là do cung-cầu: thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam đến hết tháng 5 là trên 14 tỉ đô la Mỹ. Nhìn vào đó cho thấy cầu ngoại tệ trong 5 tháng qua đã tăng lên rất mạnh, trong khi đó cung ngoại tệ để bù đắp vào đó lại có chiều hướng giảm xuống.
Bù đắp lại nhu cầu ngoại tệ phát sinh từ thâm hụt thương mại có mấy nguồn lớn từ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn ODA, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), kiều hối...
Nếu tốc độ giải ngân vốn FDI tốt thì nguồn cung ngoại tệ bù đắp cho cầu ngoại tệ phát sinh từ thiếu hụt cán cân thương mại là hoàn toàn tốt.
Tuy nhiên, tốc độ giải ngân nguồn FDI còn chậm trong khi nguồn vốn FII là nguồn tạo ra ngoại tệ nhanh thông qua việc mua cố phiếu, trái phiếu...thì đang gặp nhiều bất lợi do các chỉ số kinh tế vĩ mô chưa thuận lợi và thị trường chứng khoán sụt giảm. Vì thế, không những FII không tạo ra nguồn cung cho thị trường mà còn gây áp lực một phần lên cầu mua đô la Mỹ trên thị trường.
Thứ hai, kiều hối thông thường vẫn là một khoản lớn để bù đắp thâm hụt cán cân thương mại. Tuy nhiên, mùa vụ thu hút kiều hối thường về mạnh vào cuối năm và quí 1. Đây cũng là một nguyên nhân làm giảm cung ngoại tệ trong nước ở thời điểm giữa năm.
Từ hai nguyên nhân trên, ông Quỳnhcho rằng,nhìn trên tổng thể cân đối giữa các nguồn cung và cầu ngoại tệ trong toàn nền kinh tế trong một giai đoạn như xuất nhập khẩu, FDI, ODA, kiều hối...thì vẫn thấy là cân đối.
Ngoài ra,Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp để giảm nhập siêu và tăng xuất khẩu cũng như tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư và giải ngân FDI thì nguồn cung ngoại tệ có xu hướng sẽ ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, nếu xét từng thời điểm cụ thể trong năm và đặc biệt là những ngày gần đây thì do thời điểm thanh toán, tính chất thời vụ của hoạt động kinh doanh nên cầu ngoại tệ đang tăng đột biến trong khi cung ngoại tệ lại hạn chế làm cho thị trường ngoại tệ mất cân đối.
Vì vậy, theo ông, nếu như Ngân hàng Nhà nước không xem xét, bổ sung các biện pháp can thiệp phù hợp và kịp thời trong ngắn hạn thì tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam sẽ có khả năng biến động, làm ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư, thực hiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong thời gian tiếp theo.