Trục lợi trên nỗi đau của thị trường

Những hành vi trục lợi tài khoản, lợi dụng làm giá... đã và đang ảnh hưởng xấu đến tâm lý thị trường.

Mỗi người đều nỗ lực tìm ra lối đi cho thị trường, tuy nhiên, ở đâu đó còn ý kiến cho rằng, vẫn có tình trạng “đục nước thả câu”. Chúng ta cần thị trường đi lên thì trước hết phải tạo một luật chơi bình đẳng, đi kèm với cơ chế giám sát nghiêm ngặt. Nếu không kiểm soát tốt tình trạng này, liệu NĐT sẽ tin ai?

Trục lợi và thao túng!

Chúng ta thường nói với nhau rằng, khi TTCK đi lên, ít ai để ý, bới móc những vấn đề phát sinh của thị trường, trừ khi nó làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ. Và, bao nhiêu vấn đề có thể phát sinh từ việc không tuân thủ các quy tắc đạo đức người hành nghề chứng khoán mà chưa được phát hiện? Thời gian vừa qua, độc giả ĐTCK đã liên tục phản ánh nghi ngờ về khả năng nhân viên CTCK lợi dụng tài khoản chứng khoán của những người ít giao dịch, bán đi kiếm chênh lệch do dự đoán được xu hướng giảm giá của thị trường.

Thoáng nghe, việc này dường như không ảnh hưởng đến quyền lợi của người đang sở hữu cổ phiếu, vì dù có lợi dụng hay không lợi dụng, số cổ phiếu trong tài khoản vẫn không thay đổi. Nếu việc vi phạm này chỉ dừng lại ở con số 50, 100 hay 200 cổ phiếu thì sẽ không tác động quá nhiều đến lợi ích chung của thị trường, vì con số này quá nhỏ.

Nhưng hãy tưởng tượng rằng, nếu việc vi phạm không phải là 100, 200, mà là 1.000 cổ phiếu (con số này, nếu đứng riêng lẻ cũng vô cùng khiêm tốn!), và có khoảng 50 nhân viên môi giới lợi dụng vị trí công việc của mình, cùng bán chứng khoán trong tài khoản của NĐT. Khi đó, điều gì sẽ xảy ra cho giá cổ phiếu này, nhất là trong bối cảnh thị trường đi xuống như hiện nay? Lúc đó, thiệt hại sẽ không chỉ cho nhóm đối tượng NĐT này, mà là thiệt hại chung cho cả thị trường.

Chúng ta từng hô hào, NĐT không nên bán chứng khoán ra lúc này, bán là thiệt! Vậy nhưng, khối lượng cổ phiếu dư bán hàng ngày vẫn không hề giảm. Ai là người bán ra? Ngân hàng giải chấp, CTCK bán cổ phiếu tự doanh, hay quỹ đầu tư, hay NĐT cá nhân? Không ai dự đoán được thị trường bao giờ có thể chấm dứt đà đi xuống, nếu còn có những cá nhân muốn thị trường giảm để trục lợi. Hành vi này, xét ở góc độ cá nhân là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nhưng nếu xét về tầm ảnh hưởng, ranh giới giữa việc góp phần thao túng, lũng đoạn thị trường và trục lợi cá nhân dường như rất mong manh.

Cần cơ chế giám sát mạnh

Cần phải nói rằng, để TTCK trong sạch, tránh tình trạng trục lợi cá nhân của nhân viên môi giới thì trước hết, đó phải là ý thức của mỗi người hành nghề chứng khoán. Bên cạnh đó, cơ chế giám sát, chế tài xử phạt phải nghiêm minh, chặt chẽ thì mới có thể hạn chế tối đa việc trục lợi, thao túng trên thị trường. Trong Quyết định số 284/QĐ-UBCK về việc xử phạm hành chính đối với CTCK Sài Gòn (SSI), đơn vị này đã không tổ chức, thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và giám sát, ngăn ngừa xung đột lợi ích trong nội bộ Công ty và trong giao dịch với người có liên quan để một số nhân viên thực hiện hành vi chèn lệnh của khách hàng. Ở một CTCK lâu năm và có uy tín như SSI mà vẫn để xảy ra tình trạng trên thì liệu niềm tin của khách hàng sẽ bị tác động như thế nào?

Đối với trường hợp vi phạm của CTCK Bảo Việt (BVSC), theo quyết định xử phạt của UBCK, nhân viên của BVSC đã cho phép khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng giám đốc BVSC lại cho rằng: “Việc thực hiện chuyển chứng khoán như đã nêu nhằm mục đích sửa lỗi giao dịch và có sự thống nhất của khách hàng, chứ nhân viên BVSC không tự ý điều chuyển chứng khoán và cũng không có ý trục lợi”. Ông Vinh cũng cho biết, để tránh lặp lại tình trạng trên, Công ty đã tăng cường kiểm soát nội bộ, họp kiểm điểm nghiêm khắc với cá nhân vi phạm và có hình thức chế tài đi kèm như: không tăng lương, không có thưởng trong vòng một năm! Trả lời thắc mắc xung quanh ý kiến cho rằng: liệu đây có phải là một cái “tát yêu”, ẩn bên trong có thể là những vi phạm lớn với tính chất nghiêm trọng hơn, ông Vinh cho biết: “Chẳng ai dại gì để những nhân viên đó làm việc, nếu hành vi của họ ảnh hưởng trầm trọng đến uy tín Công ty”.

Một quan chức UBCK, trong cuộc trao đổi với phóng viên ĐTCK cho biết rằng, với cơ chế giám sát như hiện nay, việc kiểm soát hành vi thao túng giá, trục lợi trên tài khoản nhà đầu tư... rất khó được kiểm soát vì chúng ta vẫn chưa trang bị hệ thống kiểm soát điện tử. Vị này còn cho rằng, nhiều tình huống thực hiện thanh tra xuất phát chủ yếu từ phản ảnh của báo chí, NĐT... Lời khuyên của vị này là: NĐT hãy thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản trong ngày.

TTCK đang giảm giá và một trong những yếu tố giúp tương lai thị trường tươi sáng hơn chính là duy trì và phát triển niềm tin của NĐT. Những hành vi trục lợi tài khoản, lợi dụng làm giá... đã và đang ảnh hưởng xấu đến tâm lý thị trường, tác động thẳng đến quan hệ cung cầu. NĐT đang chờ đợi những chế tài nghiêm ngặt và cách thức kiểm soát chặt chẽ hơn từ phía cơ quan quản lý, CTCK để bảo vệ thị trường, bảo vệ NĐT. Những vi phạm trên có thể chỉ là những con sâu nhỏ, nhưng nếu không ngăn chặn kịp thời, ai biết khi nào nó sẽ là dịch bệnh?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây